Quyền lực tuyệt vời của [nghệ thuật] kể chuyện

Steve Denning

Bản dịch của TLHGD

Tư duy phân tích, trừu tượng là lý tưởng cho việc tường thuật cái thông thường, cái được trông đợi, cái theo định chuẩn, cái quen thuộc, cái không bất ngờ, cái tầm thường, những cái mà chúng ta thường coi là dĩ nhiên, gần như ý thức rằng mình đã hiểu cả rồi. 

Trái lại, tư duy kể chuyện (narrative thinking), chứa trong các câu chuyện và việc kể chuyện, lại là lý tưởng trong việc thảo luận cái dị biệt. Nó cố gắng ngắt ta khỏi cái thông thường, chuyển qua cái không được trông đợi, những xung đột, chệch hướng, bất ngờ, bất thường. Các câu chuyện nở rộ trong sự lật nhào cái trật tự đang tồn tại bằng một biến cố hay tư tưởng làm thay đổi cách nhìn của ta. Các câu chuyện lấy sức mạnh của chúng từ việc vi phạm cái chuẩn mực, cái chính đáng, cái thông thường, điều ấy đến lượt nó sẽ sinh ra sự sợ hãi, tò mò và kích thích mà tất cả chúng ta đều cảm thấy khi nghe một câu chuyện mới và hay. Theo cách này, các câu chuyện không chỉ kêu gọi tiến trình tâm trí của bộ não, mà còn nằm lại trong cảm thức của người nghe. Do đó chúng hấp dẫn cả trí óc lẫn con tim.  

Các câu chuyện khiến cho người ta có thể hiểu được sự phá vỡ cái được trông đợi, bằng cách kể lại những biến cố về thời gian, địa điểm xảy ra và thường là cả ý đồ của các tác nhân. Bằng việc chỉ ra cái khác thường, các câu chuyện – nói rõ hay ẩn ý – kết nối cái khác lạ với cái thông thường, cái kiệm lời với cái dồi dào, cái chỉ lệnh với cái mô tả, cái chủ quan bên trong với cái khách quan bên ngoài. Các câu chuyện cho người nghe sự chỉ dẫn về những cái nên coi là dĩ nhiên với những cái cần giải thích.      

“Thay cho công thức khôn ngoan của Talleyrand về việc giữ cho mọi sự cứ như thông thường “Đừng bao giờ giải thích” (“N’expliquez jamais”), tư duy kể chuyện nói rằng “Chỉ giải thích khi nào cần” (“N’expliquez sauf qu’il faut”) và chỉ khi nào có việc đi chệch ra ngoài rõ mồn một [khỏi cái lẽ thường] mới cần giải thích” (Bruner, page 349).

Các câu chuyện xoay quanh những gì mọi người quan tâm. Về cốt tuỷ, chúng lấy con người là trung tâm và do đó chúng ta tự nhiên bị chúng lôi kéo.  

Các câu chuyện có quyền năng đi từ cái riêng biệt lên cái phổ quát, trái với quyền năng của khoa học đi từ cái khái quát lên cái riêng biệt. 

Các câu chuyện, không giống như logic, không ngưng bặt vì khó khăn hay mâu thuẫn. Chúng nở rộ nhờ các xung đột, va chạm của những ý chí khác nhau, những khó khăn, những cái không nhất quán, nhờ cả những đường lối sai lầm của xã hội. Theo trực giác, chúng ta nắm được rằng đó là nơi bắt nguồn của sự cách tân. Khoa học và logic nảy nở nhờ cái tầm thường, cái thông thường, cái có thể quan sát theo thói quen, cái trơ ì.   

Kể chuyện không phá khoa học

Từ Chương 12 cuốn sách “Ngôn ngữ bí mật của thuật lãnh đạo” (Language of Leadership): 

“Ủng hộ việc kể chuyện, tôi không hề muốn phá hoại khoa học hay kéo thế giới trở lại những thời tăm tối của huyền thoại và mê tín. Trái lại, tôi bám vào khoa học với phương pháp luận tự sửa chữa của nó. Chúng ta cần áp dụng sự kiểm soát “double-mind” trong các thí nghiệm, trong đó cả các chủ thể [làm vật thí nghiệm] lẫn những người làm thí nghiệm đều không biết mục tiêu của thí nghiệm trong quá trình thu thập dữ liệu. Chúng ta cần đưa các kết quả ra trước các hội nghị chuyên môn và những tập san của giới chuyên gia thẩm định. Chúng ta phải nhấn mạnh rằng việc nghiên cứu cần được làm lại từ những người khác không thuộc hệ thống của nhà nghiên cứu đầu tiên. Trong các báo cáo, chúng ta cần đưa vào mọi phản chứng cứ, cũng như những diễn giải khác có thể có về dữ liệu. Chúng ta cần khuyến khích đồng nghiệp hoài nghi và bác bỏ. Những phương pháp này cần được áp dụng cho ngôn ngữ của người lãnh đạo cũng như cho mọi thứ khác.

“Nhưng khi đã làm tất cả những việc ấy rồi, đó là chuyện sống còn, ta sẽ truyền thông ra sao các kết quả mà ta khám phá ra, đặc biệt nếu như các phát hiện của ta tác động mạnh đến đời sống quen thuộc của mọi người? Nếu ta tìm cách truyền thông những phát hiện ấy bằng các phương pháp mà ta dùng để khám phá, thì điều gì thường xảy ra? Dội ngược. Kháng cự. Cay độc. Thù ghét. Nếu ta dùng trí năng kể chuyện và sử dụng ngôn ngữ của người thủ lãnh, kết quả có thể rất khác. 

“Đây là chuyện sử dụng khoa học và sự phân tích mà ta thành thạo, và sử dụng ngôn ngữ của người thủ lãnh để truyền thông những khám phá khoa học và làm cho chúng đi vào thực tế. Chỉ cần nghĩ một chút. Liệu có khoa học không, khi cứ sử dụng ngôn ngữ phân tích cho một hoạt động mà nó không thích hợp, trong khi từ chối sử dụng một ngôn ngữ khác có hiệu quả? Đi theo cách tiếp cận ấy sẽ là đỉnh cao của ứng xử phản khoa học”. 

Kể chuyện bổ túc cho phân tích trừu tượng 

Kể chuyện không thay cho tư duy phân tích. Nó bổ sung bằng cách giúp ta hình dung những cách nhìn mới và những thế giới mới, và thích hơp một cách lý tưởng để truyền thông sự thay đổi và kích thích sự cách tân. Việc phân tích trừu tượng sẽ dễ hiểu hơn khi được nhìn qua lăng kính của một câu chuyện được chọn lọc kỹ và dĩ nhiên có thể được sử dụng để làm rõ những hàm ý của câu chuyện. Springboard [chương trình đào tạo nghề trên mạng: https://www.springboard.com] không khuyên ta bỏ đi tư duy trừu tượng, cũng không gợi ý ta nên ngưng áp dụng những tiến bộ nổi lên qua thí nghiệm và khoa học. Nó thảo luận về việc khám phá ra quyền năng của việc kể chuyện và các cơ chế vận hành của kể chuyện, từ đó chữa cái bệnh lãng quên [nghệ thuật] kể chuyện, nhưng không phải là vứt bỏ tư duy phân tích. Nó đề nghị phối hợp các sức mạnh truyền thông và tưởng tượng của [nghệ thuật] kể chuyện với những lợi thế của phân tích trừu tượng và khoa học. 

… 

Tham khảo: Jerome Bruner, Culture and Human Development: A New Look, in Human Development, (1990) volume 33: pages 344-355.

Nguồn bản gốc tiếng Anh: http://www.stevedenning.com/Business-Narrative/narrative-vs-abstract-thinking-Bruner.aspx?fbclid=IwAR2VTziTH-rA4hqnxH6PhEYt54lQ-cb_6okJUCi6IQJnuuDhWbnlOm8T3JM