(Cuộc trò chuyện giữa Tạp chí Sciences Humaines và Paul L. Harris)

Người dịch: PHẠM ANH TUẤN

Paul L. Harris cho rằng trí tưởng tượng không chi phối tư duy của trẻ em mà trí tưởng tưởng lớn lên dần dần ở trẻ em và cho phép trẻ em thích nghi với thế giới.

Trong phim ảnh, tiểu thuyết hoặc nói chuyện hằng ngày, dân Pháp thường hình dung dân Anh lúc nào cũng cư xử lịch sự, đường hoàng và điềm đạm chẳng gì lay chuyển nổi. Ấn tượng về Paul L. Harris cũng như vậy. Trong văn phòng của ông ở đại học Harvard, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện giống như một chuyến du ngoạn vừa thú vị vừa chẳng bỏ sót chi tiết nào vào trong thế giới của trí tưởng tượng của trẻ em. P.L. Harris thuộc số những nhà nghiên cứu tâm lí học hành vi con người đã kết hợp một phương pháp khoa học nghiêm ngặt với mối ưu tâm về những hiện tượng tâm lí khó lòng phân biệt và đo lường. Từ hai mươi năm nay, ưu tâm nghiên cứu của ông thoạt đầu là vấn đề xúc cảm rồi sau đó là lĩnh vực trí tưởng tượng. Ông chấp nhận mạo hiểm giải quyết những vấn đề nói trên ở cấp độ còn khó hơn nữa ấy là đi vào địa hạt xúc cảm và trí tưởng tưởng của trẻ em và chẳng ngần ngại làm điều này với trẻ em lên 2 hoặc lên 3. Sau khi bảo vệ luận văn tiến sĩ tại đại học Oxford, ông bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu của mình tại đó và trở thành một chuyên gia nghiên cứu tâm lí học phát triển và tâm lý học trẻ em. Sau một thời gian dài nghiên cứu những xúc cảm của trẻ em, ông tiến tới nghiên cứu về trí tưởng tượng ở trẻ em. Trong cuốn The Work of the Imagination [Sự vận hành của trí tưởng tượng], ông nghiên cứu  cách thức trí tưởng tưởng phát triển ở trẻ em, vai trò của trí tưởng tượng trong cách trẻ em nhìn nhận thế giới và trong cách thức trẻ em phân biệt cái hư cấu với cái đang tồn tại trong thực tế và ảnh hưởng của trí tưởng tượng tới xúc cảm và mối quan hệ giữa trẻ em với người lớn.

*****

Sciences Humaines: Trước khi ông nói về những công trình của ông về trí tưởng tượng ở trẻ em, xin ông cho biết trí tưởng tượng là gì?

Paul L. Harris: Các nhà tâm lý học nghiên cứu về trí tưởng tượng thường nhấn mạnh tới tính sáng tạo, tính độc đáo cứ như thể con người chỉ dùng đến trí tưởng tượng trong những trường hợp nhất định nào đó. Còn tôi thì lựa chọn một cách nhìn rộng hơn rất nhiều về trí tưởng tượng. Tôi khẳng định rằng chúng ta sử dụng trí tưởng tượng trong mọi tình huống khi mà chúng ta phải xem xét những khả năng lựa chọn để thay thế cho cái đang tồn tại trong thực tế. Lấy ví dụ, khi chúng ta tự đặt cho mình câu hỏi về tương lai tức là khi ấy chúng ta đang tưởng tượng tình trạng hiện tại sẽ tiến triển thế nào, theo những chiều hướng nào. Khi chúng ta hồi tưởng lại quá khứ mà nếu chúng ta hối tiếc về những gì đã xảy ra thì lúc ấy chúng ta có thể tưởng tượng điều ấy lẽ ra đã có thể xảy ra theo những cách khác. Trong truyện sử nói về những nguyên nhân của Thế chiến Thứ nhất hoặc về thời kì chiếm hữu nô lệ rất dài ở Bắc Mỹ người ta thường gặp câu hỏi thế này: “Điều gì sẽ xảy ra nếu…”. Điều này được gọi là sự lập luận dựa trên giả thuyết về điều không có thực [raisonnement contrafactuel].

Trí tưởng tượng cũng can thiệp khi chúng ta nói về một sự kiện mà chúng ta không phải là người chứng kiến. Và đồng thời với điều đó là chúng ta chẳng có bất cứ một hồi ức nào về sự kiện đó cả. Trong trường hợp như vậy, để hình dung hoặc tưởng tượng về sự kiện đó – dù sự kiện đó đã tồn tại thực hay hoàn toàn là hư cấu – chúng ta sử dụng trí tưởng tượng. Khi một đồng nghiệp kể lại cho chúng ta một giai đoạn có những xung đột trong sự nghiệp của anh ta mà chúng ta không can dự thì điều đó cũng chẳng khác gì chúng ta đang đọc Anna Karénine. Mỗi lần người đồng nghiệp đó kể thì chúng ta đều phải tưởng tượng những cảnh tượng mà chúng ta đâu phải là người chứng kiến. Vấn đề chẳng phải là có khả năng sáng tạo đặc biệt mà vấn đề chỉ là việc sử dụng một khả năng không thể thiếu đối với rất nhiều hoạt động của con người.

Vậy thì sự khác nhau nằm ở đâu giữa trí tưởng tượng và khả năng không mấy khó khăn ấy là có những biểu trưng thầm trong đầu?

Biểu trưng tâm trí bao gồm bất cứ ý niệm nào mà chúng ta có thể hình thành xuất phát từ cái có thực ở quanh chúng ta. Trí tưởng tượng cho phép chúng ta làm nhiều hơn thế: nhờ trí tưởng tượng mà chúng ta không chỉ hình dung được sự việc là thế nào mà còn là sự việc lẽ ra có thể là thế nào.

Chúng ta biết gì về trí tưởng tượng ở trẻ em?

Trong lịch sử lí luận về trí tưởng tượng, hai nhà khoa học nổi tiếng đã đề xuất cách nhìn của họ về vấn đề này: Sigmund Freud và Jean Piaget. Cả hai đều xuất phát từ quan niệm cho rằng trẻ từ rất nhỏ đã bị chi phối bởi cái chúng tưởng tượng và trẻ em chỉ phát triển rất chậm một quan niệm khách quan hơn về thế giới. Freud nói về “quá trình sơ cấp” [của tâm thần] (processus primaire), Piaget thì bàn tới “tư duy tự kỷ trung tâm(pensée autistique). Thực ra Piaget chịu ảnh hưởng rất lớn bởi tâm phân học, nhất là ở thời kỳ đầu sự nghiệp của ông. Nên nhớ là thời gian ông sống ở Zurich [thuộc Thụy Sĩ] thì ông đã chịu ảnh hưởng bởi Eugen Bleuer là người mà bất chấp nhiều bất đồng nhưng về những mặt nào đó vẫn là một môn đệ của Freud.

Về phần tôi thì tôi giũ bỏ ảnh hưởng của Freud và Piaget. Ngược lại với Freud và Piaget, tôi cho rằng trí tưởng tượng không chi phối tư duy của trẻ em ở giai đoạn đầu đời mà trí tưởng tượng lớn lên dần dần. Mặt khác, khi khả năng tưởng tượng xuất hiện thì tôi lại không cho rằng trí tượng tượng cần được kiềm chế, kiểm soát, bắt phải phục tùng một tư duy hợp lí trí hoặc hợp với sự suy lí hơn. Hoàn toàn ngược lại: trí tưởng tượng là không thể thiếu đối với tư duy của trẻ em ngay từ 18 tháng tuổi và tiếp tục như vậy cho tới tận cuộc sống trưởng thành.

Vấn đề giờ đây là phải biết được trí tưởng tượng phát triển như thế nào.

Mặc dù trên bình diện lí luận tôi có những bất đồng với Piaget, song tôi phải nói rằng ông, trái lại, là một nhà quan sát tuyệt vời về sự phát triển của trẻ em và trong phạm vi những gì liên quan tới cuộc nói chuyện này thì là sự phát triển của điều chúng ta có thể gọi tên là “trò chơi giả đò” [jeu du semblant] còn ông thì gọi là “trò chơi thế vai

[jeu symbolique]

. Quan sát chủ yếu của Piaget ấy là trẻ em trong những năm đầu đời chúng sử dụng lại, sắp xếp lại và khôi phục lại thành màn kịch từ những chi tiết vụn vặt của cuộc sống hằng ngày mà chúng đã trải qua. Chẳng hạn như những tình tiết cởi quần áo hoặc mặc quần áo, hoặc tắm rửa, ăn cơm v.v. Ở độ tuổi lên 2, trẻ em lặp lại những việc làm biểu trưng này nhưng lần này không phụ thuộc vào bối cảnh thực tế, chẳng hạn chúng tái tạo lại những tình tiết nói trên cùng với một miếng vải nhung.

Cũng đáng chú ý khi quan sát “trò chơi giả đò” ở những động vật thuộc bộ linh chưởng, ở những động vật này thì không có trò chơi thế vai cực kì phức tạp. Và hoàn toàn không có “trò chơi giả đò” mang tính hợp tác như chúng ta có thể quan sát thấy ở trẻ em lên 3 hoặc 4 tuổi.

“Trò chơi giả đò” còn giúp chúng ta khám phá trong một lĩnh vực khác nữa: những đứa trẻ mắc chứng tự kỉ. Ban đầu thì định nghĩa về triệu chứng tự kỉ đã bao gồm quan niệm cho rằng trẻ tự kỉ không giỏi trong “trò chơi giả đò”. Và dĩ nhiên là chúng ta biết rằng những trẻ tự kỉ đều gặp khó khăn chia sẻ suy nghĩ của chúng với những người khác và trung tâm điểm của sự chú ý của chúng là rất hẹp. Như vậy thông thường thì một trí tưởng tượng kém cỏi lại là một sự khó khăn trở ngại hơn là một lợi thế.

Trẻ em làm thế nào để phân biệt cái có thực và cái  tưởng tượng?

Điều này phụ thuộc vào việc chúng ta nói tới [một mặt] sự tưởng tượng do trẻ em tự nghĩ ra cho mình hoặc cho bạn bè của chúng lúc chúng chơi “trò chơi giả đò” hay là [mặt khác] đó là sự hư cấu mà trẻ em gặp phải khi đọc một cuốn sách hoặc khi xem truyền hình.

Hãy thử bắt đầu bằng sự tưởng tượng do trẻ em nghĩ ra trong lúc chơi. Dĩ nhiên là rất khó để làm thí nghiệm với trẻ 18 tháng tuổi hoặc lên 2 tuổi. Nhưng ta có thể hỏi một đứa trẻ lên 3 tuổi. Đứa trẻ đó có thể, chẳng hạn, tưởng tượng là nó có một con chó, nó đang chơi với con chó, ngay cả khi chẳng ai có thể nhìn thấy con chó đó. Thế rồi con chó tưởng tượng đó bỗng dưng, tùy theo ý muốn của đứa trẻ đó, biến thành con chó sói hoặc con khủng long. Nếu hỏi chuyện đứa trẻ đó thì ta sẽ nhận thấy rằng đứa trẻ phân biệt rất rõ sự khác nhau giữa những ý tưởng đẻ ra trong đầu nó và thế giới có thực.

Về những hư cấu trong sách vở hoặc trên truyền hình thì vấn đề phức tạp hơn. Hình ảnh phát trên truyền hình không bao hàm cái nhãn cho biết “cái này là có thật” hoặc “cái này là thuộc về quá khứ và nó không còn tồn tại lúc này nữa” hoặc giả “cái này kém thực” hoặc “cái này là sản phẩm thuần túy của các nhà sản xuất truyền hình”. Để phân biệt được tất cả những sự hư cấu nói trên với thực tại thì tôi cho rằng đứa trẻ phụ thuộc vào trình độ phát triển văn hóa của nó.

Ở những trường hợp nói trên, đứa trẻ lựa chọn một phương pháp thô thiển và trực tiếp giống hệt với phương pháp nó dùng để học những khái niệm: đứa trẻ chiếm lĩnh cái biểu trưng cụ thể mà truyền hình hay cuốn sách giới thiệu với nó rồi tìm kiếm trong đó những dấu hiệu cấu thành cái biểu trưng đó để đi đến quyết định xem đây là một sự hư cấu hay là cái đang tồn tại thực tế. Phương pháp này giống hệt như khi đứa trẻ phân biệt sự khác nhau giữa trái cây và rau. Trẻ em phân biệt được sự khác nhau căn bản giữa trái cây và rau, nhưng có những trường hợp nhất định nào đó lại làm cho trẻ phân vân một chút, chẳng hạn như quả cà chua. Hoặc là sự khác nhau giữa một động vật có vú và một con cá, khi đứa trẻ phải so sánh một con cá mập. Như vậy là trong những trường hợp này thì trẻ em lại phải tìm kiếm thêm những yếu tố hoặc thông tin từ những nguồn khác để tìm ra câu trả lời. Vấn đề cũng giống hệt như vậy trong trường hợp trẻ em phải phân biệt những hư cấu hoặc điều có thực trong những câu chuyện kể.

Ông có rất nhiều công trình nghiên cứu chuyên về mối quan hệ giữa trí tưởng tượng và xúc cảm. Và ông đề xuất một mối quan hệ giữa hai cái đó hơi ngược lại với cách hiểu thông thường xưa nay. Ông khẳng định rằng không phải bởi vì trẻ em tìm cách sống những cảm xúc nào đó nên chúng sử dụng đến trí tưởng tượng mà là ngược lại: chính là trong khi sử dụng trí tưởng tượng mà trẻ em mới sống những cảm xúc. Xin ông giải thích giùm.

Theo quan niệm truyền thống của Piaget và của Freud thì trí tưởng tượng bị điều khiển bởi những xúc cảm và ham muốn. Piaget có kể lại một chi tiết nọ ấy là khi cô con gái Jacqueline của ông bị cấm nghịch nước trong nhà bếp thế là cô bé bèn đi lấy một cái bình và giả vờ chiếc bình đó có đầy nước. Theo Piaget thì ví dụ này cho thấy rằng trí tưởng tượng được huy động để bù đắp cho cái đang tồn tại trong thực tế, trí tưởng tượng cho phép dùng cái tưởng tượng để thay thế cho cái hiện thực vắng mặt. Chúng ta tìm thấy ở Freud quan niệm giống hệt: trí tưởng tượng là một phương tiện để thỏa mãn những ham muốn bị thực tế hoành đoạt.

Ngay cả khi trí tưởng tượng quả thực đôi khi có ích trong những trường hợp như nói trên thì tôi cũng không cho rằng trí tưởng tượng có vai trò trong đa số trường hợp. Trí tượng tượng được nuôi dưỡng bằng rất nhiều những cái khác chứ nó không chỉ được nuôi dưỡng bởi cái đã không thể thực sự tồn tại trong thực tế. Chúng ta thường xuyên tưởng tượng, chẳng hạn, những tình huống mà chúng ta chẳng bao giờ mong muốn thấy chúng xảy ra. Ngay cả trẻ nhỏ tuổi cũng sử dụng trí tưởng tượng theo cách như vậy. Margaret Taylor kể một câu chuyện rất hay chứng minh điều nói trên: một bé gái tưởng tượng mình có một chú ngựa lùn. Một ngày cha mẹ cô bé muốn đưa cô đi xem một buổi trình diễn ngựa. Khi tới nơi, cô bé phàn nàn và rất thất vọng vì chú ngựa tưởng tượng đã từ chối đi cùng mình. Nếu như trí tưởng tượng chỉ có tác dụng thỏa mãn những cảm giác thất vọng thế thì cô bé này lẽ ra phải tưởng tượng ra thực tế rằng chú ngựa của cô lúc ấy đang có mặt.

Một cách tổng quát, tôi không tin rằng những ý tưởng nảy sinh trong tâm trí chúng ta lại bị điều khiển bởi những ham muốn của chúng ta. Nếu không thì tại sao lại có những đứa trẻ nào đó lại tự an ủi mình bằng những suy nghĩ làm chúng sợ hãi hoặc tại sao chúng ta lại đi xem những bộ phim hoặc đọc những cuốn sách gây cho chúng ta sự xúc động, làm chúng ta buồn hoặc sợ hãi? Tôi nghĩ rằng các chuyên gia nghiên cứu về trí tưởng tượng nên chú trọng hơn nữa tới cái cách thức mà trí tưởng tượng có thể kích hoạt các xúc cảm, hơn là ngược lại.

Trong cuốn The Work of the Imagination tôi khẳng định rằng trẻ nhỏ, ngay cả khi trí tuệ đứa trẻ đủ khả năng phân biệt sự khác nhau giữa cái tưởng tượng và hiện thực, đã có một đời sống tưởng tượng đủ phong phủ để đánh thức những xúc cảm trong nó, đôi khi là những xúc cảm rất mạnh mẽ. Chẳng hạn như đứa trẻ lúc đi ngủ bỗng tưởng tượng ra những con ma và trở nên hốt hoảng. Nếu cha mẹ nói với nó: “Làm gì có ma, chỉ là do con tưởng tượng thôi“, đứa trẻ thường đáp lại: “Con biết chắc là mình tưởng tượng nhưng con vẫn sợ.”

Người lớn cũng chẳng khác gì trẻ em lúc họ xem một cuốn phim ghê rợn: người lớn biết rõ là đó chỉ là tưởng tượng; ấy thế mà điều đó lại không ngăn cản họ cảm thấy tim đập nhanh hoặc bị bộ phim làm cho sợ hãi. Như vậy là ở cấp độ này thì trẻ em và người lớn gần giống nhau. Sự khác nhau dĩ nhiên nằm ở chỗ người lớn có thể ý thức được tốt hơn rằng họ là đối tượng của trí tưởng tượng của họ và vì vậy họ giảm bớt được cường độ của xúc cảm, trong khi trẻ lên 4 tuổi thì phó mặc cho xúc cảm nhấn chìm. Như vậy vấn đề không phải là một sự khác nhau về khả năng tưởng tượng mà là một sự khác nhau về khả năng điều tiết các xúc cảm.

Nhưng nếu vậy thì tại sao trẻ em lại sợ hãi vì điều chúng tưởng tượng?

Không dễ để trả lời câu hỏi này. Trước tiên ta có thể tự hỏi điều này đem lại gì trên phương diện tiến hóa: loài người để duy trì sự tồn tại thì việc sở hữu một hệ nhận thức có khả năng sáng tạo những điều hư cấu, có khả năng phát minh ra những tình huống không tồn tại và bằng việc làm này kích hoạt hệ xúc cảm thế thì loài người có lợi thế gì ở điều này? Có ít nhất hai tình huống trong đó điều nói trên có thể là một lợi thế. Tình huống thứ nhất ấy là tình huống được Antonio Damasio bàn tới: khi một người buộc phải đánh giá hệ quả có thể xảy ra tiếp theo của một sự việc, giả sử như người đó thực sự có khả năng kiểm tra hệ quả đó nhờ trí tưởng tượng của mình và kiểm chứng xem hệ quả đó có thể gây ra cho mình những phản ứng xúc cảm gì, sợ hãi hay vui sướng, khi ấy người đó đề ra quyết định tốt hơn đối với sự tiến triển của sự việc. Như vậy có thể xảy ra khả năng, nhưng hoàn toàn là suy luận trên lí thuyết, rằng sự phát triển của vỏ não ở vùng trán trong quá trình tiến hóa của loài người đã góp phần nâng cao khả năng lập kế hoạch. Những dữ kiện khảo cổ học nhất định nào đó phù hợp với hướng suy luận này, chẳng hạn như những dấu vết về kĩ thuật vận chuyển vật liệu giữa những địa điểm ở khoảng cách rất xa nhau. Và chúng ta có lí do để thừa nhận rằng có một cá nhân có khả năng tưởng tượng ra những điều khả nhiên, tưởng tượng ra những xúc cảm có liên hệ với những điều khả nhiên ấy thì có ích hơn là có một cá nhân chỉ có mỗi khả năng về những dự kiến suy lí và lạnh lùng, kiểu như bác sĩ Spock. Nếu những giả thuyết này là đúng, chúng ta có thể nghĩ rằng những phản ứng của con người trước những điều hư cấu và sở thích của trẻ em đối với “trò chơi giả đò” là kết quả của một quá trình tiến hóa như nói tới ở trên.

Một cách giải thích khác cũng có thể chấp nhận được. Ngôn ngữ của con người là phức tạp và phong phú. Như vậy con người có thể dùng ngôn ngữ để đưa ra những ý kiến ngay lập tức và tại chỗ, giống hệt như loài khỉ cũng có có thể sử dụng những hệ thống dấu hiệu biểu trưng nào đó. Nhưng ngôn ngữ của con người trên hết cho phép nói về những sự kiện đã xảy ra hoặc sẽ xảy ra mà chúng ta không chứng kiến. Như vậy, khi một người kể lại cho một người khác về một sự việc mà người đó không trải qua, khi ấy người kể chuyện chắc chắn có lợi thế hơn, hiểu theo nghĩa tiến hóa của từ “lợi thế”, người kể chuyện có thể tái hiện lại trong đầu cái tình huống cùng với tất cả những xúc cảm liên quan đến tình huống đó. Như vậy, những trò chuyện bình thường có khi lại có hiệu quả gợi ra những xúc cảm mà người khác đã trải qua hoặc giả đò đã trải qua, và như vậy có thể cho phép chúng ta học được cách phản ứng lại với những xúc cảm đó.  Điện ảnh, tiểu thuyết, những câu chuyện hư cấu chỉ đơn giản là làm gợi ra những xúc cảm theo cách mạnh mẽ hơn.

Như vậy thì liệu chúng ta có thể nghĩ rằng “trò chơi giả đò” có chức năng dạy cho trẻ em biết điều tiết những xúc cảm do trí tưởng tượng của chúng tự động gây ra? Hay là ngược lại? Tức là phải chăng “trò chơi giả đò” phát triển cho trẻ em một trí tưởng tượng có thể đánh thức những xúc cảm ở trong chúng?

Tôi xin được nói một chút về cả hai điều. Khi một đứa trẻ chơi cùng với một đứa bạn hoặc với cha của nó, và khi người chơi với nó giả vờ là một con sói hoặc con hổ rồi gầm lên và tấn công đứa trẻ, khi ấy phản ứng sợ hãi của đứa trẻ là khá tự động. Ngay cả ở tuổi lên 3 hoặc 4, trẻ em đã có thể phân biệt được cái tưởng tượng với hiện thực, khả năng này mạnh hơn nhiều so với khả năng trẻ em tự thuyết phục mình về cái sự thực là bởi vì cha nó chỉ giả vờ là con hổ thôi cho nên nó chẳng cần phải sợ thật sự làm gì. Ở tuổi lên 8, trái lại, trẻ em không còn để cho mình bị người khác làm cho sợ nữa.  Sự khác nhau giữa trẻ lên 3 hoặc 4 với trẻ lên 8 rõ ràng nằm ở sự phát triển khả năng tìm ra cách tự điều tiết chứ không nằm ở vấn đề khả năng trí tuệ. Điều này nói lên là bản thân người lớn khác nhau rất nhiều về khả năng điều tiết cảm xúc của họ: có những người nào đó cần đến một hộp khăn giấy khi đi xem phim trong khi số khác không có nổi giọt lệ trên khóe mắt.

Song, điều cũng đúng là việc sử dụng trí tưởng tượng có thể làm tăng khả năng cảm xúc. Chúng ta có lí khi cho rằng bằng “trò chơi giả đò” hoặc bằng cách đọc những câu chuyện hư cấu, trẻ em có thể tập dượt và tự phóng chiếu bản thân mình vào trong một trải nghiệm sống không thuộc về nó. Trẻ em không học để sản sinh ra những xúc cảm mà đúng hơn trẻ em học để sản sinh ra tất cả những chi tiết của tình huống mà trẻ không cần thiết phải thực sự đặt mình vào vị trí của người khác. Cậu con trai Remy lên 10 tuổi của tôi đọc những cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về những đứa trẻ lớn lên ở miền nam nước Mỹ trong những năm 1830 hay 1840 là nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Và những câu chuyện về trẻ em da đen ở tiểu bang Mississippi hay những đứa trẻ nô lệ ở thế kỷ 19 đã khiến cậu con trai tôi xúc động thực sự. Trên thực tế nó phản ứng theo cách giống hệt như các vị và tôi khi đọc một cuốn tiểu thuyết hay: nhà văn làm được cái điều ấy là cuốn hút chúng ta vào trong một khoảnh khắc cụ thể của đời sống bằng cách cung cấp cho chúng ta tất cả những chi tiết cần thiết để chúng ta có ảo tưởng là tự mình đang trải qua cái khoảnh khắc ấy. Ngay cả nếu như tôi không có những bằng chứng thường nghiệm để khẳng định điều nói trên thì tôi vẫn những muốn nói rằng văn học, điện ảnh hoặc sân khấu mở rộng những khả năng xúc cảm của con người.

Trong cuốn sách của ông [The Work of the Imagination], ông nhấn mạnh vai trò của người lớn trong địa hạt tưởng tượng của trẻ em. Bởi chưng người lớn chính là người kể những câu chuyện, có thật hoặc hư cấu. Xin ông giải thích giùm.

Trước hết tôi muốn nêu một nhận xét. Các nhà tâm lý học nghiên cứu về sự phát triển đã nhấn mạnh quá nhiều tới việc trẻ em có khả năng năng động, quan sát, khám phá. Quan niệm này về trẻ em đã ảnh hưởng tới môi trường sư phạm mẫu giáo. Những người làm nghề sư phạm mẫu giáo tự nhận mình là đi theo lí thuyết của Piaget hoặc lý thuyết của Maria Montessori, bởi lẽ họ đề cao việc trẻ em phải có những hoạt động trò chơi đòi hỏi mó máy chân tay: chơi với nước, cát, gạo; trẻ em được quan niệm như là một nhà khoa học tí hon đang tương tác với thực tại và bằng cách ấy trẻ em dần dần tự nghĩ ra cái cách thức đồ vật được làm ra. Điều này dĩ nhiên đúng, song được thổi phồng thái quá. Trẻ em còn có những phương tiện trí tuệ khác nữa cũng thiết yếu không kém: Trẻ em trong lúc nói chuyện với người lớn chúng có thể vặn hỏi về đủ điều, thậm chí cả những điều mà chúng không có cơ hội quan sát. Như vậy là người lớn thực ra đóng một vai trò lớn trong sự hình thành thế giới tưởng tượng ở trẻ em và trong sự phân biệt giữa hư cấu và hiện thực.

Tất nhiên người lớn sẽ cung cấp những kiểu thông tin khác nhau. Những thông tin mang tính xác thực mà ta có thể gọi là thông tin khách quan, chẳng hạn như “trái đất có vẻ bề ngoài giống như cái đĩa, nhưng thực ra trái đất là hình tròn”, “loài tinh tinh và con người có vẻ ngoài rất khác nhau, nhưng trên thực tế các lí thuyết về tiến hóa đã cho chúng ta thấy là ở nếu xét ở mức độ sâu sắc hơn nào đó thì có một sự liên tục rất rõ giữa loài tinh tinh và con người chúng ta”, v.v. Nhưng rõ ràng là người lớn còn cung cấp cho trẻ em những câu chuyện về những mặt khác nữa của thế giới này mà trẻ em không thể quan sát thấy, chẳng hạn như ông già Noel hoặc chú chuột nhắt đi nhặt những chiếc răng sữa hoặc Thượng Đế. Bất luận trường hợp nào đi nữa, trẻ em tin vào câu chuyện theo tần suất và sự nhấn mạnh của câu chuyện. Điều này có phải nghĩa là trẻ em tin bất cứ điều gì người khác kể cho chúng và chúng không thể tự mình kiểm chứng? Cách nào trẻ em phân biệt được giữa [một bên là] cái được dựa trên những dữ kiện thường nghiệm và một truyền thống khoa học và [một bên là] cái bắt nguồn từ niềm tin, từ những nghi thức tôn giáo chẳng hạn?

Trả lời thật không hề dễ. Có thể những đứa trẻ nào đó không thấy có sự khác nhau đến vậy. Ở nước Mĩ này thì những ai được dạy những cách giải thích của thuyết tạo hóa (theo đó Thượng Đế đã sáng tạo nên thế giới trong bảy ngày) thì có lẽ họ không có sự phân biệt thật rành mạch giữa những khẳng định khoa học và những khẳng định của những người theo thuyết Ki-tô giáo chính thống.

Bởi vì trong mối quan hệ giữa người lớn và trẻ em có một vai trò của lòng tin vào những gì người lớn nói, thế thì người lớn lợi dụng trí tưởng tượng của trẻ em theo cách nào?

Nhìn từ một góc độ tích cực thì trí tưởng tượng của trẻ em có thể là một công cụ có hiệu lực. Như vậy thì chẳng có lí do gì để không lợi dụng trí tưởng tượng để đưa trẻ em tới chỗ chúng tự phóng chiếu mình vào trong những phương thức của đời sống mà chúng thấy rất xa lạ, chẳng hạn như những phương thức sống của một người nô lệ ở thế kỷ 19 ở châu Mỹ hoặc của một người Neanderthal hoặc một đứa trẻ ở Ai cập cổ đại. Thế nhưng trong những phương pháp sư phạm nhất định nào đó về dạy môn sử và các môn khoa học xã hội thì người ta lại đang tuân thủ một khuynh hướng và một sức ép từ thực tại của trẻ em và môi trường địa phương của chúng. Ở thành phố Cambridge này, trẻ em học về cuộc nội chiến Nam-Bắc bằng cách chúng đi tới di tích của trận đánh ở Lexington. Tôi nghĩ rằng những phương pháp này đã rất coi nhẹ khả năng tưởng tưởng của trẻ em. Cậu con trai lên 5 tuổi của tôi hoàn toàn có khả năng hình dung được những hành tinh và tưởng tượng hành tinh này thì nằm xa Mặt trời hơn còn một hành tinh khác thì gần Mặt trời hơn, do vậy có những hành tinh nào đó rất lạnh và những hành tinh khác thì rất nóng. Nó đặt rất nhiều câu hỏi để cốt sao hiểu được điều nói trên một cách cặn kẽ nhất. Dĩ nhiên là nó chẳng bao giờ có thể thử nghiệm trực tiếp về sự tồn tại của các hành tinh hay nhiệt độ của các hành tinh. Tôi quả thực nghĩ rằng các thầy cô có lẽ nên mạo hiểm nhiều hơn nữa và họ có thể khuyến khích trẻ mẫu giáo bằng những câu chuyện về lịch sử, về địa chất hoặc vũ trụ. Không có những giới hạn.

Nhìn từ góc độ tiêu cực thì dĩ nhiên cần nhớ rằng phần lớn những gì chúng ta kể cho trẻ em thì đều được chấp nhận mà không hề có ý thức phê phán, mặc dù trẻ ngay từ 5 hoặc 6 tuổi đã bộc lộ khả năng so sánh điều chúng ta kể cho chúng với những câu chuyện khác và phát hiện ra những chỗ mâu thuẫn. Như vậy là trẻ em rất chủ động sắp xếp thông tin được cung cấp cho chúng. Mặc dù vậy, dĩ nhiên vẫn cần phải cung cấp cho chúng một sự chỉ dẫn về kiểu loại hư cấu trình bày cho chúng: hư cấu dựa trên cái tồn tại thực tế nhưng giờ không còn tồn tại nữa hoặc hư cấu hoàn toàn dựa trên sự tưởng tượng v.v.

Tất nhiên là hầu hết các hình thức giảng dạy tôn giáo đều không đưa ra thông tin nói trên: giảng dạy tôn giáo chỉ làm nổi bật một tín ngưỡng. Như vậy có một sự kéo căng về phía hai thái cực: hoặc là phó mặc cho trẻ em tự chúng khám phá mọi thứ, như những phương pháp sư phạm nào đó đang chủ trương, hoặc là, trái ngược lại, phải cung cấp cho trẻ em mọi thứ được chuẩn bị trước sao cho chúng phải coi đó như là sự thật. Tình huống ở giữa dĩ nhiên đó là giúp trẻ em hiểu được cái mà chúng tưởng tượng, phân biệt được cái do người khác tưởng tượng và hiện thực.

Do GAËTANE CHAPELLE thực hiện.

*****

Paul L. Harris nhà tâm lí học hiện đang làm việc tại đại học Harvard. Tác phẩm đáng chú ý của ông là The Work of the Imagination (Sự vận hành của trí tưởng tượng), nhà xuất bản Blackwell Publishing, năm 2000; các bài báo xuất bản bằng tiếng Pháp chính của ông gồm “Penser à ce qui aurait pu arriver si… ” (Tưởng tượng đến điều gì có thể xảy đến nếu…), Tạp chí Enfance, số 54, năm 2000; “Les dieux, les ancêtres et les enfants” (Thần thánh, tổ tiên và trẻ em), Tạp chí Terrain, số 40, năm 2003.

Phạm Anh Tuấn dịch từ tiếng Pháp, 20/8/2011