KÍNH MỜI QUÝ BẠN TỚI DỰ TOẠ ĐÀM SÁCH “TRÍ KHÔN SÁNG TẠO” (CUỐN THỨ 7 TRONG TỦ SÁCH TLHGD CÁNH BUỒM) TẠI NXB TRI THỨC 53 NGUYỄN DU HANOI, 9-11H SÁNG 11/11/2020

GIỚI THIỆU SÁCH “TRÍ KHÔN SÁNG TẠO” (Creating Minds)

Tác giả: Howard Gardner (Hoa Kỳ)

Dịch giả: Hoàng Hưng

NXB Tri Thức 

Xuất bản tháng 10/2020

ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU

Tác giả khảo sát tiến trình sáng tạo của 7 danh nhân thuộc 7 lĩnh vực trí khôn khác nhau:Freud, Einstein, Picasso, Stravinsky, Eliot, Graham và Gandhi để rút ra những đặc điểm của tính sáng tạo của các cá nhân trong mối quan hệ giữa tư chất bẩm sinh, ảnh hưởng gia đình, quan hệ nghề nghiệp, xã hội và chính trị. 

Một trong những cuốn sách có uy tín và hấp dẫn về tâm lý học TK XX. 

Sách có giá trị tham khảo quan trọng trong thời kỳ GD Việt Nam đang chuyển đổi căn bản từ giáo dục mang tính áp đặt sang nền giáo dục lấy HS làm trung tâm, phát huy trí sáng tạo của người học.

Tác giả: Howard Earl Gardner (sinh ngày 11 tháng 7 năm 1943), là nhà tâm lý học phát triển người Mỹ; giáo sư nghiên cứu về khoa học nhận thức và giáo dục của Trường Cao học Harvard thuộc Đại học Harvard, giám đốc Dự án Zero của Harvard (có mục tiêu nghiên cứu và cải thiện việc học, suy nghĩ và sáng tạo trong nghệ thuật và các ngành khác), và từ 1995 là đồng giám đốc Dự án The Good Project (có mục tiêu cổ động sự dấn thân và đạo đức trong giáo dục). Gardner đã viết hàng trăm bài nghiên cứu và 30 cuốn sách (được dịch ra hơn 30 thứ tiếng). Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Frames of Mind: The Theory of Multiple Intelligences(Bản dịch tiếng Việt của nhà giáo Phạm Toàn: “Cơ cấu trí khôn – Lý thuyết về nhiều dạng trí khôn”, Tri Thức xuất bản năm 2012, tái bản 2014, 2015, 2016, 2017, 2019).

Tác phẩm mới in tại Việt Nam: the Unschooled Mind (Trí khôn phi học đường, Phạm Anh Tuấn dịch, NXB Tri thức 2020).

Dịch giả: Hoàng Hưng (1942) là cựu giáo viên Văn Trung học, dịch giả, người sáng lập và điều hành Tủ sách TLH Giáo dục Cánh Buồm của NXB Tri Thức.

Đã có nhiều sách dịch được tài trợ xuất bản của Pháp, Mỹ, Thuỵ Điển

Đã được Tặng thưởng về Dịch thuật Văn học của Hội Nhà văn VN (1997) và Giải Sách Hay về Dịch thuật Giáo dục của Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh và Viện Giáo dục IRED (2016)

NHỮNG NỘI DUNG QUAN TRỌNG CỦA SÁCH

ĐỊNH NGHĨA KHÁI QUÁT VỀ NGƯỜI SÁNG TẠO

Cá nhân sáng tạo là người đều đặn giải các bài toán, tân tạo các sản phẩm, hay xác định những câu hỏi trong một lĩnh vực theo một cách thức mà ban đầu được coi là mới mẻ nhưng cuối cùng trở nên được chấp nhận trong một thiết chế văn hóa riêng biệt.

Chân dung 1 nhà sáng tạo kiểu mẫu (E.C.)

E. C. đến từ một địa phương có phần xa cách những trung tâm quyền lực và ảnh hưởng đương thời của xã hội, nhưng không quá xa đến mức khiến gia đình cô hoàn toàn không biết đến những gì đang diễn ra ở nơi khác. Gia đình không giàu có cũng không ở trong hoàn cảnh tài chính tệ hại, và cuộc sống của nhà sáng tạo trẻ thì tương đối thoải mái, theo nghĩa vật chất. Không khí trong nhà thì đứng đắn hơn là ấm áp, và nhà sáng tạo trẻ thường cảm thấy hơi xa lạ với gia đình sinh học của mình; thậm chí dù cho E. C. có liên hệ chặt chẽ với cha hoặc mẹ, cô cũng cảm thấy có mâu thuẫn trong tình cảm. Những mối liên hệ thân mật có vẻ tồn tại nhiều hơn giữa E. C. và người bà, người bảo mẫu hay một thành viên xa hơn của gia đình. 

Gia đình E. C. không có học vấn cao, nhưng biết giá trị của việc học hành và thành công, mà họ trông đợi khá cao. Nói cho gọn, họ là những nguyên mẫu của giới trưởng giả, ôm ấp những tham vọng, sự trọng vọng, và biết giá trị của lao động vất vả, những gì trở thành liên kết với giai tầng này, đặc biệt ở cuối thế kỉ XIX. Các địa hạt mạnh của E. C. nổi lên từ tuổi tương đối trẻ, và gia đình khuyến khích những sự quan tâm ấy, mặc dù họ cũng nghĩ nước đôi về một nghề nghiệp nằm bên ngoài những nghề nghiệp ổn định. Trong nhà có một không khí đạo đức, nếu không là tôn giáo, và E. C. phát triển một ý thức nghiêm chỉnh, ý thức này có thể chống lại cô nhưng cũng chống lại những người khác nếu họ không rơi vào những mẫu ứng xử mà cô trông đợi. Nhà sáng tạo thường đi qua một thời kì sùng đạo, thời kì này sẽ bị vứt bỏ và có thể, nhưng không nhất thiết, được thấy lại về cuối đời.

Rồi đến thời gian mà đứa trẻ lớn lên, thành một thiếu niên, dường như đã lớn vượt lên trên môi trường gia đình. E. C. đã đầu tư một thập niên lao động để làm chủ một lĩnh vực và gần như tiến lên hàng đầu; cô đã có một ít kiến thức thêm vào những gì học được từ gia đình và các chuyên gia địa phương, và cảm thấy nhanh chóng bị thúc đẩy phải tự thử sức chống lại những người trẻ khác trong cùng lĩnh vực. Và như thế, là một thiếu niên hay thanh niên trẻ, E. C. phiêu lưu tới thành phố, nơi được coi như một trung tâm của các hoạt động quan trọng cho lĩnh vực của cô. Với tốc độ đáng ngạc nhiên, E. C. khám phá trong đại đô thị một loạt bạn cùng đẳng cấp chia sẻ với mình cùng những mối quan tâm; cùng nhau, họ thăm dò địa hìnhcủa lĩnh vực, thường tổ chức ra các định chế, đưa ra những tuyên ngôn, và khuyến khích nhau đi lên những tầm cao mới. Đôi khi E. C. trực tiếp tiến hành công việc trong một lĩnh vực đã chọn mặc dù cô cũng có thể đã thử sức với một số nghề khác nhau cho đến một thời điểm kết tinh.

Trải nghiệm trong các lĩnh vực thì khác nhau, và không có chỗ để nói về chúng ở đây. Tuy nhiên, với tốc độ nhanh chậm khác nhau, E. C. đã khám phá ra một địa hạt hay khu vực vấn đề đặc biệt thú vị, hứa hẹn đưa lĩnh vực tới những vùng chưa có tên trên bản đồ. Đó là thời điểm phải trả giá cao. Ở điểm này, E. C. trở nên cô lập khỏi các bạn cùng đẳng cấp và phải làm việc phần lớn một mình. Cô cảm thấy mình đang trên ngưỡng cửa của một sự đột phá mới chỉ được hiểu rất ít ngay cả bởi chính mình. Thật bất ngờ, ở thời điểm trọng yếu này, E. C. khao khát sự ủng hộ cả về nhận thức lẫn tình cảm để có thể giữ được những ấp ủ của mình. Thiếu sự ủng hộ đó, cô ta sẽ có thể phải chịu một trải nghiệm như kiểu đổ vỡ. 

Tất nhiên, trong những hoàn cảnh may mắn mà chúng ta đã xem xét, E. C. thành công trong việc thực hiện ít nhất một cuộc đột phá trọng yếu. Và, trường [field] nhanh chóng thừa nhận sức mạnh của cuộc đột phá. Sự việc đặc biệt này khiến E. C. cảm thấy cô có vẻ như muốn đi vào những sự giàn xếp đặc biệt – một cuộc mặc cả kiểu Faust – để duy trì dòng chảy từ công việc hữu hiệu, cách tân. Đối với E. C., cuộc mặc cả này bao hàm tinh thần khổ dâm và hành xử bất xứng đối với người khác, và có lúc, bao hàm cảm giác hiệp thông trực tiếp với Thượng đế. E. C. làm việc gần như suốt thời gian, đòi hỏi ghê gớm ở bản thân và ở người khác, luôn luôn nâng giá đặt cọc… Cô tự tin, có năng lực xử trí với những lỗi ban đầu, tự hào, ương bướng và khó thừa nhận sai lầm. 

Với nghị lực và cam kết lớn lao của E. C., cô có cơ hội cho cuộc đột phá thứ hai, xảy ra một thập niên sau cuộc thứ nhất. Cuộc thứ hai ít triệt để hơn, nhưng toàn diện hơn và tích hợp mật thiết hơn với những tác phẩm trước đó của E. C. trong cùng lĩnh vực. Bản chất lĩnh vực của E. C. xác định liệu có cơ hội cho cuộc đột phá nào nữa không. (Việc tiếp tục có tính sáng tạo cao hơn dễ xảy ra trong các môn nghệ thuật hơn là trong các môn khoa học). E. C. toan tính giữ lấy tính sáng tạo; cô sẽ đi tìm vị thế bên lề hay nâng cao giá cược vào sự không đồng bộ để duy trì sự mới mẻ và bảo đảm dòng chảy đi theo những thử thách lớn và những khám phá thú vị. Khi E. C. cho ra ào ạt tác phẩm mới, một số ít trong đó nổi bật lên như mang tính định hình, cả cho bản thân E. C. lẫn cho các thành viên của trường [field] xung quanh.

Không tránh khỏi với tuổi tác, những hạn chế về sức mạnh sáng tạo của E. C. xuất hiện. Đôi khi bà khai thác những người trẻ làm phương tiện hồi xuân. Thấy ngày càng khó đạt được những tác phẩm độc đáo mới, E. C. trở thành nhà phê bình hay bình luận được đánh giá cao. Một số nhà sáng tạo chết trẻ, tất nhiên, nhưng trong trường hợp các nhà sáng tạo của chúng ta, bà sống đến già, và tiếp tục đóng góp có ý nghĩa cho đến lúc chết.