Bản dịch của TLHGD

THUYẾT XÂY DỰNG ÁP DỤNG TRONG LỚP HỌC

Trong nhiều hệ hình phổ biến hiện nay, có thể chúng ta cũng đã sử dụng cách tiếp cận xây dựng luận ở một mức độ nhất định. Ví dụ:

  • Thúc đẩy HS phát biểu rõ ràng các câu hỏi (tra vấn)
  • Cho phép nhiều cách diễn giải và thể hiện trong việc học (nhiều dạng trí khôn)
  • Khuyến khích làm việc theo nhóm và sử dụng nguồn là chúng bạn cùng trình độ (học theo cách hợp tác)  

Trong lớp học theo thuyết xây dựng, việc HỌC mang tính: 

XÂY DỰNG

HS không phải những phiến đá mềm để ta khắc kiến thức lên. Các em đi học với những kiến thức, ý nghĩ và hiểu biết đã định hình. Kiến thức đã có chính là vật liệu thô để các em tạo ra kiến thức mới. 

CHỦ ĐỘNG 

HS là người tạo ra sự hiểu biết mới cho chính mình. GV huấn luyện, điều hoà, gợi ý, nhưng cho phép HS có không gian để thí nghiệm, đặt câu hỏi, thử làm những việc có thể không kết quả. Hoạt động học đòi hỏi HS tham gia toàn phần (như những thí nghiệm phải tự tay làm [hands-on]). Một phần quan trọng của tiến trình học là HS suy xét về, nói về những hoạt động của mình. HS cũng giúp đặt ra mục tiêu và những cách đánh giá của chính mình

Ví dụ:

  • Ở môn Ngữ Văn, có các buổi tập viết cuối tuần, trong đó nhấn mạnh nội dung và ý tưởng hơn là luyện ngữ pháp, mặc dù việc này cũng cần thiết. GV tạo cơ hội cho HS xem xét bài văn đã hoàn thành cũng như còn đang phác thảo của những tác giả khác nhau. Cho phép HS chọn và tự tạo các dự án trong phạm vi yêu cầu chung. HS làm biên tập viên lẫn cho nhau, đánh giá tính độc đáo của bài viết hơn là việc hoàn tất nhiệm vụ một cách hoàn hảo.
  • Trong giờ Sử, việc yêu cầu HS đọc và nghĩ về những dị bản và phối cảnh khác nhau của “lịch sử” có thể dẫn tới những cuộc thảo luận thú vị. Lịch sử được dạy trong sách giáo khoa có chuẩn xác không? Có những dị bản cho cùng câu chuyện? Dị bản nào chuẩn nhất? Làm sao ta biết? Từ đó, HS có thể đưa ra những phán đoán của chính mình. 

SUY XÉT VỀ QUÁ TRÌNH TƯ DUY CỦA BẢN THÂN (REFLECTIVE – PHẢN TƯ)

HS kiểm soát quá trình học của chính mình, bằng cách suy xét về trải nghiệm của mình. Tiến trình này làm cho HS thành chuyên gia của việc học của chính mình. GV giúp HS tạo ra những tình huống trong đó HS cảm thấy an toàn khi đặt câu hỏi và suy xét về các quá trình của bản thân, một cách riêng tư hay thảo luận nhóm. GV cũng nên tạo ra những hoạt động dẫn dắt HS suy xét về kiến thức và kinh nghiệm trước đây của mình. Nói về những gì đã học và học như thế nào là rất quan trọng.

Ví dụ: HS ghi chép cảm nghĩ của mình về các dự án của lớp, những phản ứng của các bạn về dự án, và cảm nghĩ về sự thay đổi của các bài viết của chính mình. GV đọc những ghi chép này và cùng với HS đánh giá: 1. Kiến thức mới nào do HS tạo ra. 2. HS học thế nào thì tốt nhất, và 3. Vai trò của môi trường học và vai trò của GV trong đó.  


HỢP TÁC

Lớp học dựa nhiều vào sự hợp tác giữa các HS. Có nhiều lý do cho sự đóng góp của việc hợp tác vào việc học. Khi HS cùng nhau xem lại và suy xét về quá trình học của mình, các em có thể tiếp nhận của nhau các chiến lược và phương pháp. 

Ví dụ: Trong khi nghiên cứu các nền văn minh cổ xưa, HS đào một hố khảo cổ. Đó có thể là một cái hộp cát lớn hay là một ảnh ảo trên computer. Khi HS tìm được những hiện vật khác nhau, GV giới thiệu những kỹ thuật phân loại. HS được khuyến khích để 1. Lập ra một bảo tàng nhóm bằng cách phát triển các tiêu chí và chọn những hiện vật nên đưa vào, và 2. Hợp tác với các HS khác làm việc ở những ô khác của hố khảo cổ. Mỗi nhóm được yêu cầu phát triển những lý thuyết về các nền văn minh cư trú trên địa bàn. 

DỰA TRÊN SỰ TRA VẤN (INQUIRY-BASED)

Hoạt động chính trong lớp là giải quyết các vấn đề. HS dùng các phương pháp tra vấn để nêu câu hỏi, khảo sát một chủ điểm, và dùng nhiều nguồn khác nhau để tìm ra giải pháp và đáp án. Khi khai thác chủ điểm, HS đi tới những kết luận, và, khi tiếp tục khảo sát, các em xem lại những kết luận ấy. Khai thác các câu hỏi sẽ dẫn tới những câu hỏi mới. 

Ví dụ: HS lớp 6 hình dung cách làm sach nước, khảo sát những giải pháp đi từ giấy lọc cà phê đến các thiết bị chưng cất trên bếp, các thỏi than, cho đến giải pháp toán trừu tượng dựa trên kích thước một phân tử nước. Tuỳ theo đáp án của HS, GV khuyến khích các sáng tạo kiến thức mới cả trừu tượng lẫn cụ thể, thi vị hay thực dụng. 

TIẾN TRIỂN

HS có những ý tưởng mà về sau có thể các em thấy không có hiệu lực, không đúng hay không đủ để giải thích những trải nghiệm mới. Những ý tưởng ấy là các bước tạm thời trong việc tích hợp kiến thức. Chẳng hạn, một đứa trẻ có thể tin rằng mọi cái cây đều trụi lá vào mùa thu, cho đến khi em đi thăm một khu rừng thường xanh. Nhà giáo theo thuyết xây dựng ghi nhận những quan niệm hiện thời của trẻ và xây dựng kiến thưc từ chỗ ấy. 

Điều gì xảy ra khi một HS thu được một mẩu thông tin mới? Hình mẫu xây dựng luận nói rằng HS sẽ so sánh thông tin với kiến thức và hiểu biết mà em đã có, và một trong ba điều có thể xảy ra:

  1. Thông tin mới hợp với kiến thức đã có (consonant), vì vậy HS bổ sung nó vào sự hiểu biết của mình. Công việc chỉ là tìm ra đúng chỗ ghép vào, giống như trong trò ghép hình. 
  2. Thông tin không hợp với kiến thức đã có (dissonant). HS phải thay đổi sự hiểu biết cũ để tìm ra sự thích hợp với thông tin mới. Công việc khó khăn hơn. 
  3. Thông tin không hợp với kiến thức cũ và bị bỏ qua. Những mẩu thông tin bị bác bỏ có thể không bị chìm đi hết, hay có thể trôi nổi đâu đó, đợi đến ngày sự hiểu biết của HS đã phát triển và cho phép em ghép vào kiến thức cũ. 

Ví dụ: Một GV tin rằng HS của mình đã sẵn sàng để học về trọng lực. Thầy tạo ra một môi trường cho sự khám phá với những vật thuộc nhiều loại. HS khai thác những khác biệt về trọng lượng của những khối có cùng kích cỡ như gỗ, chì, mút xốp. Một số HS cho rằng những vật nặng hơn thì rơi nhanh hơn. GV cung cấp những học liệu về Galileo, Newton, v.v. dẫn dắt cuộc thảo luận về các lý thuyết rơi. Lúc đó HS làm lại thí nghiệm của Galileo bằng cách thả rơi những vật có trọng lượng khác nhau và đo xem chúng rơi ra sao. Các em sẽ thấy rằng những vật có trọng lượng khác nhau thực ra thường là rơi theo cùng tốc độ, mặc dù diện tích bề mặt và các đặc tính vận động trong không khí của chúng có thể tác động đến tốc độ rơi.