Jacques Lecomte, tháng 3 năm 1998

Bản dịch của Nguyễn Thành Long

Sự phát triển của trẻ không bắt đầu từ cá nhân hướng tới xã hội, mà từ xã hội hướng vào cá nhân trẻ. Đây là một trong những luận điểm do Vygotsky phát triển, và sau 60 năm, [luận điểm này] làm cơ sở cho rất nhiều nghiên cứu đương đại.Đâu là mối liên quan giữa tư duy và ngôn ngữ ? Đây là vấn đề chính mà nhà tâm lý học người Nga Lev Vygotski đã cố gắng tìm ra câu trả lời trong tác phẩm Tư duy và ngôn ngữ của ông xuất bản năm 1934 tại Moscow. Đó là thành quả của hàng chục năm nghiên cứu mà Vygotski đã thực hiện cùng với ê kíp của ông, cuốn sách này vừa được tái bản bằng tiếng Pháp (1) và nó được coi như là một trong số những cuốn sách về tâm lý quan trọng nhất của thế kỷ, sau khi bị lãng quên trong suốt một thời gian dài.Tư duy và ngôn ngữ là một tác phẩm đồ sộ gồm hơn 500 trang, được chia thành 7 chương có độ dài không đều nhau. Ông phát triển chủ yếu các luận điểm về sáng tạo và đã làm thay đổi sâu sắc cách nhìn của chúng ta về sự phát triển trí thông minh của trẻ. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy luyến tiếc về việc tác phẩm của ông thiếu một cấu trúc tổng thể rõ ràng, ví dụ như cùng một chủ đề nhưng được xử lý trong hai phần riêng biệt của cuốn sách.

Hướng tới ngôn ngữ nội tâm

Theo Vygotski, cho đến nay, ngành tâm lý học khoa học vẫn ngập ngừng giữa hai thái cực đối lập về mối liên hệ giữa tư duy và ngôn ngữ : hoặc là đồng nhất, hoặc là tách biệt hoàn toàn. Theo tác giả, cả hai thái cực đều chưa chính xác, vì chúng ta có thể trình bày mối liên hệ giữa tư duy và ngôn ngữ bằng hai vòng tròn giao nhau. Vùng giao nhau tạo nên « tư duy ngôn từ». Nhưng một phần quan trọng của tư duy (« tư duy kĩ thuật và tư duy công cụ ») không có mối liên hệ trực tiếp với ngôn ngữ. Ngược lại, một số khía cạnh của ngôn ngữ không có mối liên hệ với tư duy, ví dụ như một ai đó đọc một bài thơ mà anh ta đã học thuộc lòng. Nhưng điều khiến Vygotski quan tâm hơn hết là cách con người phát triển tư duy và ngôn ngữ, đặc biệt là trong thời thơ ấu.Jean Piaget và Vygotski có hai cách hiểu hoàn toàn khác nhau về sự tiến triển này. Đối với Piaget, sự phát triển của đứa trẻ diễn ra từ cá nhân đến xã hội, trong khi đó Vygotski lại cho rằng sự phát triển của trẻ bắt nguồn từ xã hội hướng vào cá nhân.Để chứng minh quan điểm của mình, ông đã dành nhiều trang sách để phân tích thứ ngôn ngữ mang tính duy kỷ, “tự cho mình là trung tâm”. Thuật ngữ này, mượn từ Piaget, ám chỉ hành vi của trẻ nhỏ khi chúng nói mà không hề để ý rằng liệu người khác có đang lắng nghe và cũng không chờ đợi câu trả lời. Trước 6 hoặc 7 tuổi, quá nửa số câu hỏi của trẻ mang tính duy kỷ, nhưng khi lớn lên, loại ngôn ngữ này giảm dần cho đến khi nó biến mất hoàn toàn. Tuy nhiên, Vygotski khẳng định rằng, ngôn ngữ duy kỷ không suy thoái theo năm tháng, mà vẫn tiến triển. Phải thừa nhận rằng, số lượng ngôn ngữ duy kỷ giảm theo từng năm, nhưng chất lượng của nó, tức sự phong phú về cấu trúc, lại tăng theo từng năm. Cách mà Piaget giải thích sự sụt giảm về lượng của ngôn ngữ duy kỷ như là một biểu hiện thoái bộ thì cũng chẳng khác gì coi trẻ bỏ tính toán bằng tay, bỏ đếm thật to để chuyển sang tính nhẩm là thoái bộ.Vygotski đã tiến hành nhiều thử nghiệm với các đồng nghiệp để kiểm tra giả thuyết của mình. Một thử nghiệm trong số đó diễn ra khi ông khuấy rối giờ học tự do dành cho trẻ em hoạt động. Ví dụ, đứa trẻ không thể tìm thấy bút chì màu hoặc giấy mà nó cần. Trong trường hợp này, hệ số ngôn ngữ duy kỷ tăng gấp đôi so với một tình huống thông thường. Một đứa trẻ sau đó nói: “Bút chì đâu? Bây giờ con cần một cây bút chì màu xanh; không thành vấn đề, thay vào đó con sẽ vẽ bằng một cây bút màu đỏ và con sẽ thấm nước, nó sẽ sậm hơn và giống như màu xanh”. Nói tóm lại, đứa trẻ luôn lập luận với chính bản thân mình.

Từ đó, Vygotski gán cho ngôn ngữ duy kỷ một chức năng chủ yếu. Piaget lại chỉ ra rằng ngôn ngữ này là mơ mộng, còn Vygotski thấy đây là cách tư duy thực tế của trẻ. Từ những nghiên cứu của mình, ông kết luận rằng ngôn ngữ này có mối liên hệ với ngôn ngữ nội tâm, từ đó hình thành nên một nét căn bản. Trên thực tế, ông viết, “ngôn ngữ duy kỷ là ngôn ngữ nội tâm bởi chức năng tâm lý và là ngôn ngữ ngoại hiện bởi bản chất sinh lý của nó”. Do đó, đây là một hình thức chuyển giao giữa ngôn ngữ xã hội, dành cho người khác và ngôn ngữ nội tâm, dành cho chính mình. Nó có vai trò giúp trẻ tư duy và vượt qua khó khăn. Đối với ngôn ngữ nội tâm, nó không phải là ngôn ngữ mà không có âm thanh, mà giữ vai trò như một chức năng khá khác biệt với ngôn ngữ ngoại hiện. “Nếu trong ngôn ngữ ngoại hiện, tư duy được thể hiện trong lời nói, thì lời nói biến mất trong ngôn ngữ nội tâm, hình thành nên tư duy.”

Khái niệm khoa học hay thường nhật?

Một chủ đề xuyên suốt khác được Vygotski đề cập liên quan đến sự đối lập giữa các khái niệm khoa học và khái niệm “thường nhật” (hay “tự phát”). Ông nhấn mạnh tới một nghịch lý sau: đứa trẻ trình bày định luật Archimedes tốt hơn cái cách trẻ định nghĩa thế nào là anh em. Trong khi trẻ có rất nhiều kinh nghiệm thực tế về anh trai là gì, trẻ lại trở nên bối rối nếu được hỏi từ “anh trai” nghĩa là gì.Trên thực tế, Vygotski giải thích cho chúng ta rằng các khái niệm thường nhật không phát triển hoàn toàn giống như các khái niệm khoa học. Khái niệm thường nhật được biết đến trong trải nghiệm cụ thể, khái niệm khoa học đến từ lời giải thích của giáo viên, “trong một tình huống tương tác giữa nhà sư phạm và trẻ”. Trẻ biết cách xử lý các khái niệm thường nhật nhưng không nhận thức được điều này, thực tế trẻ nhận thức được về đối tượng nhiều hơn chính khái niệm đó. Ngược lại, ngay từ đầu, trẻ nhận thức rõ các khái niệm khoa học hơn là các chủ thể mà các khái niệm này biểu đạt.Để hiểu rõ sự khác biệt này, Vygotski thiết lập song song sự khác biệt giữa việc học tiếng mẹ đẻ và học ngoại ngữ. Tiếng mẹ đẻ giống như các khái niệm thường nhật: trước khi đến trường, trẻ em nắm vững hầu hết tất cả ngữ pháp, nhưng không nhận thức được những gì chúng đang nói. Mặt khác, việc học ngoại ngữ sẽ được thực hiện theo một cách hoàn toàn khác: học sinh có ý thức học các quy tắc nghiêm ngặt của ngữ pháp và quyết ý sử dụng chúng có chủ đích.

Vùng phát triển kề cận

Nhưng trẻ học như thế nào? Vygotski không đồng tình với hai dòng lý thuyết đương đại trong thời đại của ông (những năm 1930). Một mặt, chủ nghĩa hành vi coi sự phát triển trí tuệ và việc học không gì khác hơn là sự tích lũy các phản xạ có điều kiện. Tuy nhiên, đối với Vygotski, việc học mang hàm ý là “một hành động tư duy thực tế và phức tạp”.Mặt khác, ông chỉ trích quan niệm của Piaget rằng người ta không thể dạy điều gì đó cho trẻ trừ khi trẻ đạt đến giai đoạn cần thiết cho việc học này. Tuy nhiên, Vygotski lưu ý rằng những đứa trẻ rất thành công trong các môn học ở trường lại không có được sự trưởng thành về nhận thức, điều đáng phải có theo Piaget. Ông khẳng định, đây là trường hợp học đọc, học viết, học ngữ pháp, học số học, học khoa học tự nhiên, v.v.Trong khi Piaget cho rằng sự phát triển phải đi trước việc học, Vygotski lại cho rằng “việc học luôn đi trước sự phát triển”.Từ đây đã xuất hiện khái niệm “vùng phát triển kề cận (hoặc sắp tới) “, một khái niệm chính trong việc xây dựng lý thuyết của Vygotski.

Ông viết rằng, giả như chúng ta đã xác định được ở hai đứa trẻ một độ tuổi trí tuệ tương đương lúc tám tuổi. Với sự giúp đỡ của người lớn, một trẻ giải quyết các vấn đề tương ứng với độ tuổi 12, trong khi trẻ còn lại chỉ có thể giải quyết các vấn đề tương ứng với 9 tuổi. Chính sự khác biệt này xác định vùng phát triển kề cận. Đó là vùng 4 đối với trẻ thứ nhất và vùng 1 cho trẻ thứ hai. Do đó, theo Vygostki, vùng phát triển kề cận đối với một học sinh là “yếu tố quyết định nhất cho việc học tập và phát triển”. Bởi vì “những gì đứa trẻ có thể làm hôm nay khi có sự đồng hành, nó sẽ có thể tự mình làm vào ngày mai”.Một trong những tác giả đầu tiên phản ứng với cuốn sách Tư duy và ngôn ngữ lại chính là Piaget (2). Thật không may, ông đã chỉ phát hiện ra tác phẩm này 25 năm sau khi nó được xuất bản lần đầu bằng tiếng Nga và khi Vygotski đã mất từ lâu. Piaget khẳng định rằng Vygotski là một “tác giả vĩ đại” và nói rằng “hoàn toàn đồng ý” với Vygotski về ý tưởng cho rằng ngôn ngữ duy kỷ tạo nên điểm khởi đầu của ngôn ngữ được nội tâm hóa, tuy nhiên không đề cập về điều mới mẻ này khi thay đổi lý thuyết của chính ông.Những năm 1980 chứng kiến ​​sự bùng nổ của các nghiên cứu về loại ngôn ngữ này, chủ yếu khẳng định lý thuyết của Vygotski. Do đó Laura Berk, giáo sư tâm lý học tại Đại học Illinois, khẳng định rằng “lời độc thoại (lời nói riêng với mình ) là điều cần thiết cho sự phát triển nhận thức của trẻ” bởi vì nó tạo thuận lợi cho việc hoàn thành các nhiệm vụ (3). Các nghiên cứu thực nghiệm đã chỉ ra rằng trẻ em sử dụng ngôn ngữ này thường xuyên hơn khi chúng làm việc một mình trong một nhiệm vụ đòi hỏi chúng phải vượt qua chính mình hoặc khi giáo viên không có mặt ở đó.Còn với luận điểm phổ quát hơn của Vygotski, theo đó sự phát triển trí thông minh có nguồn gốc từ các mối quan hệ giữa các cá nhân, nó đã mang tới nhiều nghiên cứu. Do đó, toàn bộ tác phẩm, được gọi “trường phái Geneva”, đã chứng minh rằng khi trẻ em phải đối mặt với một số vấn đề, chính là lúc đứa trẻ cải thiện năng lực nhận thức nếu hoàn cảnh khiến chúng hình thành các câu trả lời khác nhau (4). “Cuộc xung đột nhận thức-xã hội” khiến trẻ thay đổi quan điểm nếu trẻ nhận ra mình sai. Ngoài ra, sau đó trẻ có thể sử dụng sự hiểu biết mới tốt hơn khi chúng ở một mình. Luận điểm của Vygotski đã khẳng định điều này.Các tác giả khác đã mở rộng chủ đề này đến các tình huống trong trường học. Đây là trường hợp của Robert Pléty, giáo sư toán học tại một trường trung học và là thành viên của phòng thí nghiệm tập tính học trong giao tiếp của Đại học Lumière Lyon-II (5). Ông đã chia học sinh thành 4 nhóm và để chúng giải các bài toán. Một trong những kết quả đáng khích lệ nhất liên quan đến các nhóm trong đó tất cả các thành viên đã thất bại trong khi làm bài tập cá nhân và trong đó 24% các nhóm này đã thành công khi họ cùng nhau làm chính bài tập đó.

Những khẳng định gần đây

Nhiều tác giả người Nga cũng đã nghiên cứu ảnh hưởng của hoạt động tập thể đến sự phát triển nhận thức của học sinh (6). Ví dụ, Vitaly Roubtsov, làm việc ở Viện Tâm lý học và Sư phạm tổng quát, so sánh kết quả đạt được của những sinh viên đã theo một khóa học truyền thống về vật lý và những người khác đã làm việc theo nhóm (7). Ông nhận thấy 75% sinh viên trong nhóm thử nghiệm đã tìm thấy câu trả lời đúng, so với 20% những người trong nhóm còn lại.


Cần lưu ý rằng những nghiên cứu này thường khẳng định luận điểm của Vygotski về tầm quan trọng của mối quan hệ giữa các cá nhân trong sự phát triển của tư duy, nhưng nó đã biến thể rất nhiều. Thật vậy, ở đây những đứa trẻ cùng tuổi, cùng nhau phân tích một vấn đề và tìm ra giải pháp. Tuy nhiên, Vygotski khẳng định rằng chính giáo viên (hoặc tối thiểu là trẻ lớn tuổi hơn) là người khởi xướng việc học, bằng cách khiến đứa trẻ làm việc trong vùng phát triển kề cận.Các nghiên cứu được trích dẫn chỉ là một mẫu trong nhiều nghiên cứu dựa trên lý thuyết của Vygotski. Mặc khác, không còn nghi ngờ gì nữa, tác giả này có thể sẽ tạo ra một công trình thậm chí còn sản hơn nếu ông không qua đời quá trẻ vào năm ông đang ở tuổi 38.

Lev VygotskiLev

Vygotski sinh ngày 5 tháng 11 năm 1896, sinh cùng năm với J. Piaget, tại thị trấn nhỏ của Orcha ở Belarus. Vài năm sau Cách mạng Tháng Mười, năm 1924, ông trình bày báo cáo trước Đại hội toàn quốc lần thứ hai về tâm lý thần kinh học, ông nhận được sự quan tâm đặc biệt của Kornilov, giám đốc mới của Viện Tâm lý học tại Đại học Moscow. Người này đề nghị ông tham gia vào việc tái xây dựng lại ngành tâm lý, theo tinh thần của chủ nghĩa Mác. Ở tuổi 28, ông đã đặt cho mình mục tiêu cung cấp các giải pháp cụ thể cho cuộc chiến chống lại nạn mù chữ và khuyết tật về tâm trí. Bệnh lao đã chấm dứt hàng loạt hoạt động của Vygotski. Trên giường bệnh, ông đã viết chương cuối của Tư duy và ngôn ngữ, tác phẩm được xuất bản ngay sau khi ông mất. Ông qua đời ở tuổi 37, vào ngày 11 tháng 6 năm 1934. Từ năm 1936, tất cả các tác phẩm của Vygotski đều bị cấm ở Liên Xô, nhất là vì tác giả này quá cởi mở với ảnh hưởng của các tác phẩm phương Tây. Nhưng vào năm 1956, trong bầu không khí tẩy chay Stalin, Tư duy và ngôn ngữ đã được tái bản ở Liên Xô. Bản dịch đầu tiên (cô đọng) xuất hiện ở Hoa Kỳ vào năm 1962.Bị kiểm duyệt từ lâu ở quê hương và bị lãng quên bởi phần còn lại của thế giới, tác phẩm của Vygotski ngày nay được coi là một trong những tác phẩm quan trọng nhất trong thế kỷ này.

Tài liệu tham khảo1.  L. Vygotski, Pensée et Langage, éditions La Dispute, 1997.
2.  J. Piaget, «Commentaire sur les remarques critiques de Vygotski», texte publié à la fin de Pensée et Langage, La Dispute, 1997.
3.  L. Berk, «Pourquoi les enfants parlent tout seuls», Pour la science, n° 207, janvier 1995.
4.  Notamment A.-N. Perret-Clermont et coll., La Construction de l’intelligence dans l’interaction sociale, Peter Lang, 1996; W. Doise et G. Mugny, Psychologie sociale et développement cognitif, Armand Colin, 1997.
5.  R. Pléty, L’Apprentissage coopérant, Presses universitaires de Lyon, 1996.
6.  C. Garnier et coll., Après Vygotski et Piaget, DeBoeck Université, 1991.
7.  V. Roubtsov, dans C. Garnier et coll., op. cit.