ANITA. E. WOOLFOLK

Bản dịch của TLHGD  

TÁM GIAI ĐOẠN KHỦNG HOẢNG CỦA ĐỜI NGƯỜI 

Erik Erikson (1902-1994), người Đức. Chưa học xong trung học, đã bỏ học để nghiên cứu mỹ thuật và chu du khắp châu Âu. Ông gặp Sigmund Freud ở Vienna và được Freud mời tham gia nghiên cứu phân tâm học. Sau khi được Freud đào tạo, Erikson di cư qua Mỹ để hành nghề và tránh hoạ Hitler.

Trong cuốn sách có ảnh hưởng Tuổi thơ và xã hội – Childhood and Society (1950, 1963), Erikson đưa ra một khung cơ bản để hiểu nhu cầu của đứa trẻ trong mối quan hệ với xã hội trong đó chúng lớn lên, học hành và sau đó góp sức mình. Ông nhấn mạnh sự nổi lên của cái tự thân (the self – cũng được dịch là “cái ấy”, cái nó”), việc đi tìm căn tính, và các mối quan hệ của cá nhân với những người khác trong suốt cuộc đời.

Erikson đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ giữa môi trường văn hoá của trẻ và kiểu người trưởng thành mà trẻ sẽ trở thành. Ông cho rằng mọi con người đều có những nhu cầu căn bản giống nhau và mỗi xã hội phải đáp ứng những nhu cầu ấy theo cách này hay cách khác. Sau khi nghiên cứu những thói quen nuôi dạy của nhiều xã hội, ông kết luận rằng bất kể các khác biệt, vẫn có những mẫu tương tự trong sự phát triển về tình cảm và xã hội (các thay đổi về tình cảm và mối quan hệ của những thay đổi ấy với môi trường xã hội). Ông coi tinh thần trách nhiệm ngày càng tăng với bản thân và với người khác và những phương pháp thích ứng với trách nhiệm ấy là những khía cạnh rất quan trọng của căn tính.

Giống như Piaget và Freud, Erikson nhìn sự phát triển của trẻ là một quá trình gồm các giai đoạn có những mục tiêu, mối quan tâm, thành tựu và hiểm hoạ riêng biệt. Những giai đoạn này phụ thuộc lẫn nhau: những thành tựu của các giai đoạn sau phụ thuộc vào việc các xung đột của những giai đoạn trước được giải quyết ra sao. Ông gợi ý rằng trong mỗi giai đoạn, cá nhân đối mặt với một cuộc khủng hoảng phát triển (như ta hay gọi là “sốt vỡ da” – ND). Mỗi khủng hoảng là một xung đột giữa một khả năng tích cực và một tiềm năng tiêu cực. Cách giải quyết mỗi khủng hoảng sẽ ảnh hưởng lâu dài đến hình ảnh mà trẻ tự nhìn mình cũng như xã hội nhìn em. Mỗi cách giải quyết không lành mạnh sẽ có sự dội lại suốt đời mặc dù có thể được sửa chữa ở giai đoạn sau; ngược lại cách giải quyết thành công mỗi khủng hoảng khi nó xảy ra, sẽ cho ta cơ sở vững chắc để xây dựng căn tính và đối phó với khủng hoảng sau. 

Erikson đưa ra 8 giai đoạn phát triển tâm lý mà ông gọi là “tám tuổi đời của con người” (eight ages of man)

TUỔI HÀI NHI: TIN CẬY VS KHÔNG TIN CẬY

Erikson xác định tin cậy vs không tin cậy là xung đột căn bản của tuổi bé thơ. Trong những tháng đầu đời, các em bé bắt đầu thấy được chúng có thể phụ thuộc vào thế giới xung quanh hay không. Theo Erikson, đứa bé sẽ phát triển một cảm thức tin cậy nếu các nhu cầu về thực phẩm và chăm sóc được đáp ứng đều đặn. Sự gần gũi và đáp ứng của cha mẹ góp phần lớn cho cảm thức tin cậy này.

Cần ghi nhớ rằng trong năm đầu đời, các bé ở vào giai đoạn cảm giác vận động của Piaget. Chúng mới bắt đầu học tách mình khỏi thế giới xung quanh và học biết rằng những người và đồ vật khác vẫn tồn tại ngay cả khi chúng không nhìn thấy. Sự nhận biết tính tách biệt này là một phần khiến cho sự tin cậy là vô cùng quan trọng: các bé phải tin cậy vào những khía cạnh trong cái thế giới mà chúng không kiểm soát được.

Các nghiên cứu về sự ràng buộc của bé thơ ủng hộ ý tưởng của Erikson về nhu cầu phát triển sự tin cậy ở em bé. Mary Ainsworth (1979) đã nghiên cứu sự khác biệt giữa các em bé “gắn bó một cách an toàn” với mẹ chúng với những em “gắn bó một cách lo âu”. Các bé ở nhóm 1 có mẹ đáp ứng tốt các nhu cầu của bé, chúng thấy mẹ mình luôn có thể tiếp cận, luôn sẵn sàng có mặt. Chúng có thể dùng mẹ như căn cứ an toàn để từ đó thăm dò khai phá môi trường xung quanh, biết rằng mẹ mình sẽ trả lời khi cần. Những bé ấy có tính hợp tác nhiều hơn và ít tính gây hấn trong sự tương tác với mẹ. Khi lớn lên, chúng có năng lực nhiều hơn và thiện cảm hơn với chúng bạn, và khai phá môi trường xung quanh một cách nhiệt tình và kiên định hơn những em bé vốn gắn bó với mẹ một cách lo âu. Trong những năm tiền học đường, những em bé gắn bó với mẹ một cách an toàn được đánh giá là tự chủ và ít phụ thuộc hơn.

TUỔI CHẬP CHỮNG: TỰ TRỊ VS HỔ THẸN VÀ HOÀI NGHI

Giai đoạn đánh dấu sự bắt đầu tự kiểm soát và tự tin. Trẻ nhỏ có thể ngày càng tự mình làm các việc. Chúng bắt đầu thực hiện những hoạt động nhắm tới một mục tiêu ứng với phần sau của giai đoạn cảm giác vận động theo Piaget.  Chúng phát triển các năng lực thể chất và tâm trí cho phép chúng kiểm soát ít nhiều cuộc sống của chính mình. Chúng phải bắt đầu lãnh những trách nhiệm tự chăm sóc quan trọng như ăn uống, vệ sinh, mặc đồ. Chúng cố gắng mạnh mẽ để tự trị.

Trong thời kỳ này, cha mẹ phải có đường lối tế nhị: phải bảo bọc mà không bảo bọc quá mức. Việc cân bằng hay không giữa hai vế ấy sẽ ảnh hưởng mạnh đến năng lực đạt được sự tự trị của trẻ. Nếu cha mẹ không duy trì được thái độ trấn an, tạo tin tưởng đồng thời không củng cố các nỗ lực của trẻ nhằm làm chủ được những kỹ năng vận động và nhận thức cơ bản, thì trẻ có thể bắt đầu cảm thấy hổ thẹn; chúng có thể bắt đầu hoài nghi năng lực quản lý thế giới theo kiểu cách riêng của mình. Erikson tin rằng những trẻ em trải nghiệm quá nhiều hoài nghi ở giai đoạn này sẽ thiếu tin tưởng vào những sức mạnh của chính mình trong suốt cuộc đời.

TUỔI ẤU NHI: SÁNG KIẾN VS TỘI LỖI

Theo Erikson, giờ đây đứa trẻ phải đối mặt với xung đột giữa sáng kiến và tội lỗi. “sáng kiến là thêm cho tính tự trị phẩm chất đảm đương, hoạch định và tấn công một nhiệm vụ nhằm hiện hữu một cách tích cực chủ động và luôn chuyển động” (Erikson, 1963, tr.255). Nhưng sáng kiến cũng kéo theo sự nhận biết là có những hoạt động bị cấm đoán. Có những lúc trẻ có thể cảm thấy bị giằng xé giữa điều chúng muốn  làm và điều nên (hoặc không nên) làm. Thách thức của thời kỳ này là duy trì hứng thú hoạt động và cùng lúc hiểu rằng không thể hành động theo mọi sự thúc đẩy. 

Trẻ ở giai đoạn này có thể tự mình tưởng tượng để đóng các vai người lớn khác nhau và bắt đầu đo nghiệm sức mạnh của mình trong những nhiệm vụ “người lớn”. Đứa trẻ lên 4 ngồi vắt vẻo trên ghế cao khuấy bột nhão làm bánh hay long trọng chuyển một dụng cụ cho cha mẹ đang sửa chiếc xe hư là bé đang làm một công việc quan trọng. Trẻ ở giai đoạn này thường tôn thờ người hùng; người hùng của chúng là những người lớn dễ nhận biết, được lý tưởng hoá như các thầy thuốc, lính cứu hoả, và thầy cô giáo. Chúng bắt đầu quan tâm đến và có năng lực tưởng tượng về tương lai của mình. Trò chơi là hình thức quan trọng của sáng kiến; bịa đặt ra trò chơi là việc thông thường.

Trẻ ở giai đoạn này đòi hỏi người lớn xác nhận rằng sáng kiến của chúng được chấp nhận và đóng góp của chúng dù nhỏ bé nhưng thật sự có giá trị. Chúng sẵn sàng nhận trách nhiệm. Sự trưởng thành thành công trong thời kỳ này dựa trên cảm thức rằng mình được chấp nhận đúng như chính mình. Hơn nữa, người lớn phải có một đường lối tinh tế, lần này là giám sát mà không can thiệp. Nếu đứa trẻ không được phép làm các việc theo ý mình, thì cảm thức tội lỗi có thể phát triển; chúng có thể đi đến chỗ tin rằng điều mình muốn là “sai”.

Người dạy trẻ ở tuổi này (nhà trẻ, mẫu giáo), phải hướng đến việc khuyến khích sáng kiến và tránh bắt lỗi.

TUỔI TIỂU HỌC VÀ TRUNG HỌC CƠ SỞ: THÍCH LÀM VIỆC VS TỰ TI

Trong những năm đầu đời đi học, học trò phát triển cái mà Erikson gọi là tinh thần thích làm việc (industry). Chúng bắt đầu nhìn mối quan hệ giữa sự kiên trì và niềm vui sướng vì hoàn thành công việc. Đây cũng là thời kỳ học trò bắt đầu chinh phục môi trường vật chất với những thao tác cụ thể. Trước đây trò chơi đã làm chúng thoả mãn, nhưng giờ đây chúng muốn làm những việc có thu hoạch theo ý chúng và sẵn sàng về thể chất và tâm trí để làm. Khủng hoảng ở giai đoạn này là tinh thần làm việc vs lòng tự ti. 

Trong thời kỳ này, trẻ cũng phải chinh phục thế giới bên ngoài gia đình. Ở nhiều xã hội, thời kỳ này trẻ được trực tiếp đưa vào thế giới công việc của người lớn. Tuy nhiên, với trẻ trong các xã hội hiện đại, nhà trường và khu dân cư cho trẻ một loạt thách thức phải được cân bằng với những thách thức trong gia đình. Sự tương tác với chúng bạn cũng trở nên ngày càng quan trọng. Năng lực di chuyển giữa những thế giới ấy và thích ứng với việc học kiến thức khoa học, với các hoạt động nhóm và bạn bè sẽ dẫn đến cảm thức về năng lực. Khó khăn với những thách thức ấy có thể dẫn đến cảm thức tự ti.

Một nghiên cứu gần đây của George và Caroline Vaillant (1981) ủng hộ ý niệm của Erikson về tầm quan trọng của tinh thần làm việc. Các nhà nghiên cứu theo dõi 450 bé trai trong 35 năm, bắt đầu từ lúc mới đi học. Họ kết luận rằng những em bé siêng năng và ham thích làm việc nhất thì sẽ thành những người điều chỉnh mình và được trả lương cao nhất khi trưởng thành. Năng lực và ý nguyện làm việc khi còn bé dường như quan trọng hơn là trí thông minh hay hoàn cảnh gia đình để thành công về cuối đời.

(còn tiếp)          

 Nguồn bản gốc tiếng Anh: Educational Psychology, Prentice-Hall Inc, NJ 07632, 1980