Khởi hành 

Trong công việc tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa, nhóm Cánh Buồm có hai loại “người hành động” – loại trẻ và loại già.

Loại đầu tiên, là những bạn trẻ hăm hở muốn cùng nhau tìm một lối thoát cho công cuộc giáo dục, một sự nghiệp bản thân các bạn được hưởng thụ với đầy ưu ái, nhưng đều thấy không thỏa mãn. 

Nhà giáo Phạm Toàn trong niềm vui bên những học sinh bé nhỏ, lớp 1 tại một trường ở Hà Nội, tháng 1/2017. Ảnh do cô giáo Nguyễn Thu Hằng chụp.

Tiếp đến là những soạn giả chững chạc, nhiều vị là những tác giả có tên tuổi, nhiều “bác” trẻ hơn nhưng cũng đã có công trình, nhiều vị là thày của lớp bạn trẻ Cánh Buồm. 

Tâm trạng ban đầu của những “bạn” cao niên thể hiện thành những câu hỏi như nhau. “Làm sách à? Lại làm sách à? Tại sao làm sách, mà không phải là làm cái khác? Nếu làm sách, thì làm kiểu gì đây?”, vân vân…

Các bạn trẻ có tâm sự đơn giản hơn. Sau 18 năm “đèn sách”, họ bị cuốn vào dòng chảy kiếm việc làm để có một chỗ đứng và kiếm sống.

Các vị cao niên đã có cuộc sống ổn định thì cần đến một lý tưởng và những lý lẽ để yên tâm vào việc. Lớp bạn trẻ này sẵn lòng lao vào việc, song nếu công việc không hấp dẫn, họ cũng dễ dàng để gió cuốn đi…

Dù trẻ dù già, vào buổi khởi hành, những con người hành động của nhóm Cánh Buồm đều cần đến một hành trang đầu tiên: một lý lẽ cốt lõi và một hệ thống lý lẽ vây quanh.

Lý lẽ cốt lõi

Ngay từ khi “rủ nhau chào đời” vào cuối năm 2009, nhóm Cánh Buồm đã đạt được đồng thuận đối với nhiều khái niệm. 

Ngay cụm từ vừa dùng ở cuối đoạn viết bên trên, “lý lẽ cốt lõi”, cũng là một cách để diễn đạt cái từ vẫn quen dùng: lý luận.

Đối với khái niệm lý luận, Cánh Buồm không tách rời “lý luận” với “thực tiễn”. Lý luận bắt buộc phải gắn bó với cuộc sống thực. Nói “gắn bó” vẫn còn xa xôi cách biệt: lý luận phải là chính cuộc sống thực. 

Ăn để sống không thể dựa trên “lý luận” không cần ăn vẫn sống. Một bữa ăn gia đình đạm bạc nhưng ấm cúng là một thực tiễn mang trong nó cái “lý” của nó. 

Một khi đã gắn bó với cuộc sống thực, công việc của những con người hành động là làm cho những điều tốt đẹp của cuộc sống được nảy nở. Lý lẽ cốt lõi của ta sẽ chỉ ra đâu là điều tốt đẹp phải được nảy nở và cách làm cho chúng nảy nở.  

Đây là một thí dụ. Nhóm Cánh Buồm đã tìm ra cách học của trẻ em để các em không phải nghe giảng mà vẫn có những sản phẩm cảm động như “bài thơ” ngô nghê nhưng cảm xúc thì không thua “em bé” Trần Đăng Khoa xưa. Xin trân trọng giới thiệu:

Ở TRONG HẦM

Ở trong hầm

Chật chội lắm

Em bé khóc

Vì sợ hãi

Tiếng bom nổ

Đùng đùng đùng

Ở trong hầm

Chả nhìn thấy

Mọi sự vật

Ôi sợ quá!

(Vũ Như Anh – Lớp 3B – Năm học 2016-2017. Bài thu hoạch sau khi học thao tác liên tưởng qua tác phẩm “Tuổi thơ của con” của Xuân Quỳnh).

Em Khôi Nguyên, học sinh lớp 2C cũng của trường đang tổ chức dạy theo phương pháp Cánh Buồm tại Hà Nội năm học 2016-2017, trong bài tập viết lại đoạn kết truyện Tấm Cám đã viết như sau:

“Sau khi thấy Tấm sống lại, mẹ con Cám đã thay đổi tính cách, hiền hậu hơn xưa. Tấm trở về nhà, mẹ con Cám đã nói lời xin lỗi, và Tấm đã đồng ý. Họ đã cùng nhau ăn một bữa cơm quây quần. Từ đó ba mẹ con sống yêu thương đùm bọc và hạnh phúc”.

Ít nhất ở đây có thể thấy sự tồn tại hữu cơ của lý lẽ cốt lõi trong cuộc đời thực thể hiện ở việc dám trả lời và biết cách trả lời những câu hỏi như:

Vì sao trẻ em học Văn lại phải học thao tác tưởng tượng và liên tưởng? Trẻ em từ lớp 1 đã học Văn được chưa? Năng lực văn của con người là gì? Làm cách gì để con người hình thành năng lực văn? vân vân …

Và ít nhất ở đây, khi Cánh Buồm trả lời CÓ cho các câu hỏi trên, thì có thể thấy lý luận nằm ngay trong thực tiễn cuộc sống của các em học sinh nhỏ tuổi. 

Định nghĩa lại khái niệm “giáo dục” 

Nhóm Cánh Buồm tập hợp được thủy thủ, có những con “sói biển” khó tính và uyên bác và có những “sói con” ngơ ngác nhìn đời. Ngay từ đầu, đã phải cùng nhau làm một việc thuộc lý lẽ cốt lõi, được đồng thuận trong việc định nghĩa lại tất cả các khái niệm quen thuộc. 

Việc đầu tiên trong chuỗi công việc phải làm đó của nhóm Cánh Buồm là định nghĩa lại khái niệm GIÁO DỤC.  

Và đạt tới đồng thuận trong việc làm đầu tiên này không dễ dàng gì, ngay với một nhóm người ban đầu chỉ mới có “một con gà trống già và mấy con gà nhép”. 

Với những bậc cao niên trong nhóm Cánh Buồm, chấp nhận một định nghĩa mới càng khó khăn nhiều lần.

Nhưng đồng thuận là một quá trình cùng lao động, cùng tôn trọng giá trị tinh thần của nhau, và cùng tháo ngòi xung đột – cũng là một định nghĩa nữa của Cánh Buồm – nên các “thê đội” cũng đến được với định nghĩa mới.

Đó chính là nội dung của việc Cải cách nhà cải cách đã được nhắc đến trong bài ra mắt đã đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. 

Và đây là định nghĩa đã được tập thể Cánh Buồm đồng thuận chọn và theo: Giáo dục là tổ chức sự trưởng thành của thanh thiếu niên cả dân tộc.

Theo định nghĩa này, giáo dục sẽ tôn trọng người học. Giáo dục không làm công việc “dạy dỗ dân” theo quan điểm Khổng Tử. Giáo dục dù cao quý đối với dân với nước, nhưng không có quyền tự coi mình đứng trên mọi con người mà về bản chất “sinh ra đã là tự do”. 

Định nghĩa này quy định cách hành xử của Giáo dục là làm công việc tổ chức sự HỌC của con người, chứ không phải là làm công việc DẠY con người. 

Để tổ chức việc học của con em thì sẽ phải đi tìm và phải tìm ra cơ chế tâm lý của việc học, cụ thể hóa thành nhiều cách học, để cuối cùng, người học đạt tới khả năng tự học.

Khi đó, “tự học” không phải là một lời khuyên mà là một phương pháp, một lối sống, một thói quen, một thành phần của năng lực người.  

Tổ chức được công việc tự học cũng đồng thời là làm công việc tổ chức cái nền của con người đủ năng lực tự lập và có lối sống tự lập. Cuộc Hội thảo khoa học lần thứ ba khi Cánh Buồm ở tuổi lên ba (năm 2011) mang tên Tự học – Tự giáo dục là có ý nghĩa đó.

Cuối cùng, định nghĩa lại Giáo dục là nhằm vào mục đích tổ chức sự trưởng thành của người học, và những người học đó chỉ giới hạn trong lớp thanh thiếu niên cả dân tộc. 

Sự trưởng thành của thanh thiếu niên không được đo bằng những kỳ thi, những khối lượng kiến thức, cả những “kỹ năng” đủ loại. Sự trưởng thành của một trang thanh niên nằm ở tư duy – một cái đầu biết học, biết làm, biết sống.    

Sự trưởng thành của một trang thanh niên không nhất thành bất biến. Nếu đã là trưởng thành, thì con người đó sẽ tiếp tục phát triển, “gừng càng già càng cay”. 

Sự trưởng thành của con người cũng không bất biến theo dòng lịch sử. Người trưởng thành của năm 2016 hoặc 2017 sẽ khác với người trưởng thành sau đây một chục hoặc vài chục năm. 

Đó là cái lý thúc đẩy nghề sư phạm không thể đời đời vững như bàn thạch với những giáo lý và cách làm việc giáo điều, xơ cứng, những giáo trình chép đi chép lại. 

Đó cũng là cái lý thúc đẩy nghề sư phạm không thể hành động cẩu thả. Không thể nhặt nhạnh kinh nghiệm dù tốt đẹp ở đâu đâu về áp dụng ở quê ta sau vài ba chỉ thị hoặc mệnh lệnh áp đặt.

Đó nhất thiết phải là cái lý thúc đẩy nghề sư phạm nghiên cứu sâu vào con em Việt Nam để xây dựng nền giáo dục Việt Nam của nền văn hóa Việt Nam, ở đây, và ngay lúc này.

Đó là những điều của thực tiễn Việt Nam, một thực tiễn cần có một lý lẽ cốt lõi để diễn biến lành mạnh. Mục tiêu thực tiễn của người thanh thiếu niên trưởng thành sẽ là những con người tự lập, tự học, tự giáo dục.

Con đường đi đến trưởng thành là thông qua phương thức nhà trường, hoặc nói cách khác là thông qua cách học bắt đầu với những thiết chế sẵn có và qua các nội dung môn học. 

Điều căn bản rút ra từ định nghĩa mới về Giáo dục chung quy là việc xây dựng một kiểu nhà trường khác với cách học khác, những chuẩn mực đánh giá khác, mà theo đường lối thể hiện trong bộ sách Cánh Buồm là tự đánh giá thay vì bị đánh giá.

Cần phải có cách học khiến con người tôn trọng sự tự do của mình. Đó là cách học để người học bị cuốn hút tự nhiên vào con đường học cho mình và xây dựng dần dần được tinh thần học vì Tôi – học vì Chúng Ta. 

Một định nghĩa lại cho khái niệm giáo dục đủ mở ra một lối thoát đúng đắn và giúp cho nhà giáo dục yêu nghề hơn.

Vì nhà giáo dục sẽ có một thực tiễn để vun bón – cái thực tiễn không đối lập với lý lẽ cốt lõi của mình. 

Nhà giáo dục sẽ có một tư duy khác trong việc làm mỗi ngày, và niềm vui càng được củng cố khi thấy rõ con em học giỏi một cách tự nhiên. 

Những nhân vật Nam Cao suốt đời phải “sống mòn” trong cảnh “đời thừa” mà nguyên nhân đơn giản là do không định nghĩa lại được các khái niệm. 

Vả chăng, những nhân vật của Nam Cao cũng chỉ đi dạy học kiếm sống, chứ không cốt thực hiện một sự nghiệp giáo dục.

Nên họ không thể có lý lẽ cốt lõi (hoặc lý luận) về Giáo dục để bám víu vào mà tổ chức lại cuộc sống thực, là sự nghiệp Giáo dục của dân tộc. 

Phạm Toàn – Bài đăng trên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam (Giaoduc.net.vn)

https://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Dinh-nghia-lai-khai-niem-giao-duc-post173658.gd