ANITA E. WOOLFOLK

Bản dịch của TLHGD

LIÊN KẾT (CONTIGUITY): HỌC QUA CÁC LIÊN KẾT ĐƠN GIẢN

Nói một cách đơn giản, nguyên lý liên kết là: ở chỗ nào có hai cảm giác xảy ra cùng với nhau lặp đi lặp lại, chúng sẽ trở nên liên kết với nhau. Sau đó, khi chỉ có một cảm giác (một kích thích) xảy ra, cảm giác kia sẽ được nhớ lại (một đáp ứng). Một số nhà TLH đầu TK 20 nói rằng nguyên lý này giải thích phần lớn việc học. Chẳng hạn Edwin Gutherie tin rằng “nếu ta làm điều gì đó trong một tình huống đã định, lần sau gặp đúng tình huống ấy ta sẽ có xu hướng lại làm đúng điều ấy”.

Nhiều người chúng ta học nhiều thực kiện căn bản thông qua việc lặp lại việc liên kết một kích thích và một đáp ứng. Chẳng hạn, một học sinh nhắc đi nhắc lại “Thủ đô của Texas là Austin” cho đến khi thấy kích thích “Thủ đô của Texas là…” trong bản đo nghiệm, sẽ hiện ra trong óc đáp án “Austin”. Những bài tập chắp vần ở những lớp đầu và việc ghi nhớ các từ khi học ngoại ngữ là những ví dụ khác của việc sử dụng tích cực phép liên kết. 

Như đã nói ở phần trước, không phải mọi việc học đều là cố ý, và tất nhiên không phải mọi việc học đều dẫn tới các kết quả tích cực. Thông qua việc học bằng liên kết, trẻ em đôi khi phát triển những khuôn mẫu về cung cách người ta hiện hữu hay nên hiện hữu. Truyền thông thường giới thiệu hình ảnh hiện tại của người mẹ có con nhỏ là một người làm việc nhà toàn thời gian trẻ trung, hấp dẫn. Chúng ta có thể có xu hướng liên kết ý tưởng “người mẹ” với bức tranh ấy. Vậy mà một số lớn phụ nữ có con dưới 5 tuổi lại đi làm thuê, và nhiều người trong số ấy ở độ tuổi 30 hoặc 40.

Nguyên lý liên kết có thể được sử dụng một cách tích cực để giúp HS học, ngay cả khi cũng có nhiều cách để học hơn là việc liên kết. Liên kết thực sự đóng một vai trò lớn trong một tiến trình học khác phức hợp hơn. Nó được gọi nhiều tên: điều kiện hoá kinh điển, điều kiện hoá đáp ứng, và học tín hiệu…

ĐIỀU KIỆN HOÁ KINH ĐIỂN (CLASSICAL CONDITIONING): LIÊN KẾT ĐÁP ỨNG TỰ ĐỘNG VỚI KÍCH THÍCH

Thông qua tiến trình điều kiện hoá kinh điển, con người và động vật có thể học đáp ứng một cách tự động với một kích thích đã từng không có tác động hay tác động rất khác vào mình. Đáp ứng học được có thể là một phản ứng về cảm xúc, như sợ hãi hay vui thích, hay một đáp ứng về sinh lý như căng cơ. Những đáp ứng không tự nguyện thông thường ấy có thể được điều kiện hoá hay học được, cho nên chúng xảy ra một cách tự động trong những tình huống cụ thể. Quan sát cung cách khám phá ra việc điều kiện hoá kinh điển, ta sẽ thấy rõ tiến trình học này.

Song đề và khám phá của Pavlov

Trong thập niên 1920, nhà sinh lý học Ivan Pavlov tìm cách trả lời những câu hỏi về hệ tiêu hoá của chó, trong đó có câu hỏi: một con chó mất bao nhiêu thời gian để tiết ra dịch vị sau khi được ăn. Nhưng thời gian này luôn thay đổi. Thoạt tiên, con chó tiết bước bọt theo như cách được trông đợi trong khi được cho ăn. Rồi nó bắt đầu tiết nước bọt ngay khi trông thấy thức ăn. Cuối cùng, nó tiết nước bọt ngay khi trông thấy nhà khoa học đi vào phòng. Bởi vì Pavlov quyết định đi vòng khỏi những thí nghiệm nguyên thuỷ này để xem xét những sự kiện không trông đợi, giờ đây ta hiểu biết đúng hơn về một hình thức học quan trọng – điều kiện hoá kinh điển.

Trong một thí nghiệm đầu tiên điều tra hiện tượng mà ông tình cờ gặp, Pavlov bắt đầu gõ một cây âm thoa và ghi lại đáp ứng của con chó. Như được trông đợi, không có sự tiết nước bọt. Rồi ông cho con chó ăn. Đáp ứng là tiết nước bọt. Thức ăn trong trường hợp này là một kích thích không điều kiện (US: unconditioned stimulus), vì nó sinh ra một đáp ứng tự động (tiết nước bọt). Việc tiết nước bọt là một đáp ứng không điều kiện, vì nó xảy ra một cách tự động. Không cần có sự học hay “điều kiện hoá” trước đó để thiết lập sự kết nối tự nhiên giữa thức ăn và việc tiết nước bọt. Âm thanh của cây âm thoa lúc này là một kích thích trung tính (NS: neutral stimulus) vì nó không sinh ra đáp ứng.

Sử dụng ba yếu tố này – thức ăn, việc tiết nước  bọt, và cây âm thoa – Pavlov chứng minh rằng một con chó có thể bị điều kiện hoá để tiết nước bọt sau khi nghe thấy âm thanh của âm thoa. Ông làm việc này bằng cách liên kết âm thanh với thức ăn. Dần dà, âm thanh trở thành kích thích có điều kiện (CS: conditioning stimulus)tự nó gây ra việc tiết nước bọt. Giờ đây việc tiết nước bọt là đáp ứng có điều kiện (CR: conditioned response), rất giống đáp ứng ban đầu với thức ăn. 

Khám phá của Pavlov và những người nghiên cứu sự điều kiện hoá kinh điển ít ra cũng có hai hàm ý cho giáo viên. Thứ nhất, có thể là nhiều phản ứng cảm xúc của ta trong những tình huống khác nhau đã được học trong việc điều kiện hoá kinh điển. Phải nhớ rằng các cảm xúc và thái độ ấy, cũng như các thực kiện và ý tưởng, thường được học nhiều hơn bên ngoài lớp học, và đôi khi sự học về cảm xúc này có thể can thiệp vào việc học chính khoá. Cũng như thế, các quy trình dựa trên điều kiện hoá kinh điển có thể được dùng để giúp người ta học những đáp ứng mang tính thích nghi về cảm xúc nhiều hơn.

Ví dụ về điều kiện hoá kinh điển: đáng mong muốn và không đáng mong muốn

Thực tình không có bằng cứ rõ ràng rằng chúng ta học để sợ hãi và lo âu ở trường thông qua việc điều kiện hoá kinh điển. Nhưng hãy xem xét những khả năng như thế. Một đứa bé thoạt tiên không sợ hãi trên sân chơi có thể vướng vào một sự cố đau đớn trên chiếc đu chẳng hạn. Sau đó, trẻ có thể từ chối lên đu và có thể dường như sợ hãi những thiết bị khác trên sân chơi. Có những ví dụ khác về việc học sợ hãi hay căm ghét trường học sau nhiều kinh nghiệm bối rối hay  sợ hãi. Một HS cũng có thể học lo âu thậm chí ốm đau về thể chất trong quá trình đo nghiệm, vì việc đo nghiệm bị liên kết với thất bại, thậm chí với sự trừng phạt hay dị hợm ở gia đình. Cuối cùng, một HS có thể học được cảm xúc sợ hãi quen thuộc khi nói trước đám đông.

Tất nhiên những đáp ứng cảm xúc tích cực cũng có thể được học. Nếu HS thường trải nghiệm thành công ở trường, các em sẽ có thể đáp ứng những nhiệm vụ học tập mới một cách tự tin hơn là lo âu. 

Khái quát hoá, phân biệt và dập tắt

Những đáp ứng điều kiện hoá có thể được khái quát hoá (từ lo âu, sợ hãi một thứ trở thành lo âu, sợ hãi đủ thứ), phân biệt (có cái lo sợ, có cái không), hay dập tắt (nếu kích thích có điều kiện lặp lại mà không được tiếp nối bằng kích thích không điều kiện – âm thanh không tiếp bằng thức ăn cho con chó – thì cuối cùng kích thích này sẽ bị vô hiệu hoá, tức được dập tắt). 

Ở lớp học, những kỹ thuật trên có thể giúp HS học những đáp ứng tích cực với các tình huống gây sợ hãi.

Phòng ngừa 

Phòng ngừa sự phát triển các phản ứng cảm xúc tiêu cực bằng cách liên kết kích thích tích cực với các trải nghiệm trên lớp. Nghĩa là chuẩn bị cho HS các lớp dưới làm quen với những trải nghiệm gây sợ hãi có thể xảy ra bằng cách nói chuyện trước về chúng và khuyến khích HS nói về những quan ngại của mình. Cũng có nghĩa là làm cho lớp học vui vẻ và tiện nghi. Cuối cùng, ở mọi cấp lớp, đôi khi HS cần được bảo vệ khỏi sự bối rối, nhất là trong các tình huống công cộng, nhờ sự can thiệp đúng lúc của GV.

Chữa trị

Một khi HS đã có đáp ứng sợ hãi hay lo âu với một khía cạnh nào đó của nhà trường, thì cách tiếp cận ít phức tạp nhất là sử dụng nguyên lý dập tắt. Khuyến khích HS tự đặt mình vào tình huống có vấn đề rồi bảo đảm cho những sự cố không hay sẽ không xảy ra. Nếu một HS hơi sợ con chuột lang trong khi thí nghiệm, GV có thể khuyến khích em sờ vào con chuột nếu GV chắc chắn không có kết quả tiêu cực sẽ xảy ra. Sau khi có nhiều tiếp xúc vô hại với con chuột, nỗi sợ của HS sẽ bị dập tắt

Dập tắt từng bước

Nếu HS dứt khoát từ chối tham gia giờ thể thao trên lớp, em sẽ không bao giờ học được rằng sự bối rối hay đau đớn từng xảy ra sẽ không xảy ra nữa. Và thậm chí nếu HS quyết chí tham gia, cũng có thể nỗi lo âu của HS sẽ can thiệp vào kết quả và những trải nghiệm thất bại hay không vui sẽ tiếp tục. Những đáp ứng học được về lo âu có thể là vĩnh viễn. 

Một cách tiếp cận để giải quyết những tình huống khó khăn hơn này là dập tắt từng bước. Nếu một HS quá sợ hãi giờ thể thao, em có thể thoát ra từng bước. Chẳng hạn, thoạt tiên đọc những câu chuyện hấp dẫn về những gương mặt thể thao, rồi quan sát người khác chơi… từ từ dính líu vào các hoạt động thể thao… Một HS lo âu về các bài đo nghiệm có thể được cho những câu đố ngắn từ dễ đến khó, trong một tình huống không bị cạnh tranh…