Watson và thuyết Hành vi

Bản dịch của HIẾU TÂN

John B. Watson (1878 – 1958) Watson là một nhà tâm lí học người Mỹ. Ông sinh ngày 9 tháng Giêng, 1878 tại Bắc Carolina. Sau một vụ li hôn tai tiến, Watson cưới cô sinh viên của ông, Jones. Được khích lệ bởi công trình
của Pavlov, Watson áp dụng các nguyên tắc phản xạ có điều kiện vào trẻ em. Ông lập ra một trường phái tư duy mới – thuyết hành vi – ở Mỹ năm
1913. Trong hơn 50 năm, thuyết phản xạ có điều kiện cổ điển đã có ảnh
hưởng lớn đến việc dạy và học, cho đến cuối những năm 1960, khi nó bị
thách thức bởi lí thuyết học tập do Piaget khám phá. 

Bị ấn tượng bởi cách giải thích đơn giản này về việc học, Watson là người đầu tiên mở rộng những khám phá của Pavlov cho người. Công trình phôi thai của ông dựa chủ yếu trên những nguyên tắc phản xạ có điều kiện cổ điển và báo trước sự phát triển một ngành mới của tâm lí học có tên là “thuyết hành vi”. Thuyết hành vi cho rằng tất cả mọi hành vi của con người có được thông qua phản xạ có điều kiện. Theo các tiêu chuẩn đạo đức ngày nay, những thí nghiệm trong phòng thí nghiệm của Watson với trẻ nhỏ có vẻ độc ác và rõ ràng vô đạo đức. Bằng thí dụ, Watson quan tâm đến việc tìm hiểu xem ông có thể gây ra phản xạ sợ hãi ở một đứa trẻ trước đây chưa có biểu hiện sợ hãi hay không, và giảm nỗi sợ trong một đứa bé chập chững tập đi với nỗi sợ đã biết. Những thí nghiệm của Watson được mô tả chi tiết trong những trường hợp nghiên cứu dưới đây.

 Trường hợp Bé Albert         
Mặc dầu có nhiều cách khác nhau mô tả các thí nghiệm tiến hành trên Bé Albert, nói chung người ta nhất trí rằng mẹ nó là một vú nuôi trong một
bệnh viện trẻ em. Khi Albert được khoảng 9 tháng tuổi, Watson và sinh
viên của ông, Rayner, thử phản ứng của bé với hàng loạt đồ vật trong đó
có một con chuột bạch, một con chó, những chiếc mặt nạ không có tóc,
mớ bông xù và một cái búa. Họ kết lụân rằng Albert là một bé trai khoẻ
mạnh và phớt lạnh, và nỗi sợ duy nhất của bé là tiếng động tạo ra bằng
cách dùng búa gõ lên một thanh thép thành tiếng chói tai. Vào khoảng 11
tháng, người ta đưa cho Abert xem một con chuột bạch. Để gây ra nỗi sợ,
Watson bò phía sau Albert và dùng búa gõ thanh thép. Quá trình này
được lặp lại 7 lần cho đến khi đứa bé khóc mỗi khi thấy con chuột. Nỗi sợ của nó tổng quát hoá đến mức Albert khóc khi thấy hàng loạt những đồ
vật trắng mềm, trong đó có mớ bông xù, một chiếc mặt nạ Ông già Noel
và cả mái tóc bạc của Watson. 

Người ta nói mẹ của Bé Albert đã trốn khỏi bệnh viện trước khi Watson có thể xoá đi nỗi sợ của Albert, và cho mãi đến gần đây, người ta biết rất ít về chô ở của Albert. Beck, Levinson và Irons (2009) đã bỏ ra bảy năm để lần theo dấu vết Bé Albert và kết luận rằng Bé Albert là một cái tên giả dùng để bảo vệ tính vô danh của một cậu bé tên là Douglas Merrite đã chết ở tuổi lên 6 vì bệnh tràn dịch não.

 Trong một thí nghiệm nổi tiếng không kém, dưới sự giám sát của Watson, Jones (1924) nhằm xoá đi những nỗi sợ của một em bé có tên là Bé Peter.

 Trường hợp Bé Peter         
Một em bé mồ côi Peter hai năm 10 tháng tuổi, khi Jones và Watson bắt
đầu nghiên cứu bé. Nó sợ một con chuột bạch, và nỗi sợ này mở rộng
(tổng quát hoá) ra thỏ, áo lông thú, da, búi bông xù, v.v..nhưng không tới những khối gỗ và các đồ chơi tương tự. Một con thỏ bị nhốt trong một
lồng bằng dây thép trong một gian phòng mà bé Peter ăn trưa. Mỗi ngày, con thỏ trong lồng được đưa đến gần hơn với Peter, cuối cùng bé ăn bữa
trưa trong khi ôm con thỏ trên đùi.  

  Mặc dầu người ta không bao giờ biết Peter đã có nỗi ám ảnh sợ hãi này như thế nào, thí nghiệm này cung cấp bằng chứng đầu tiên rằng có thể xử lí nỗi sợ hãi bằng cách dùng một quá trình gây tê hệ thống (systematic desensitization, xem dưới đây). Cách này được các bác sĩ tâm thần và các nhà tâm lí học sử dụng trong điều trị chứng ám ảnh sợ hãi.

         Định nghĩa

Gây tê hệ thống hoạt động theo nguyên tắc: gây ra một nỗi sợ, chẳng hạn cho xem một con nhện, có thể đảo ngược hoặc xoá đi nỗi sợ này. Trước hết người đó được dạy các bài tập thư giãn, và sau đó cho xem một bức ảnh vật mà người đó sợ (chẳng hạn con nhện). Sau một khoảng thời gian, đưa cho người đó một con nhện thật. Người ta tin rằng thư giãn sẽ xoá đi nỗi sợ. 

Dựa vào thành công của những thí nghiệm của mình, Watson đã tuyên bố một câu nổi tiếng như sau (1928, tr 82): 

Hãy đưa cho tôi một chục đứa trẻ khoẻ mạnh, hiểu biết tốt, tôi sẽ nuôi dạy chúng trong thế giới đặc biệt của tôi, và tôi đảm bảo chọn hú hoạ bất kì đứa nào trong số đó và đào tạo nó thành một chuyên gia bất cứ loại nào mà tôi chọn – bác sĩ, luật sư, nghệ sĩ, nhà buôn lớn, và, vâng, thậm chí ăn mày, ăn trộm, cho dù tài năng, thiên hướng, xu hướng nghề nghiệp, năng lực và dòng giống của tổ tiên nó như thế nào.

Rõ ràng là thuyết phản xạ có điều kiện cổ điển đã giải thích được một số khía cạnh của việc học. Bạn có thể nhận ra sự tương tự giữa thuyết của Watson và triết lí của Locker thế kỉ mười bảy về học tập. Locker hình dung trí óc đứa trẻ mới sinh như tấm bảng trắng (tabula rasa). Locker và Watson có vẻ như có cùng khái niệm về hậu vận của đứa trẻ – liệu nó sẽ thành ăn mày hay thành ông vua – là hoàn toàn bị quyết định bởi trải nghiệm cuộc sống. Về thực chất, cả hai coi người học là thụ động chứ không phải tích cực tham gia vào quá trình học. Lí thuyết của Watson  có ảnh hưởng rất lớn đến giáo dục. Trong suốt những năm 1940, 1950 và cho đến 1960 các thầy giáo chỉ quan tâm đến những câu trả lời đúng chứ không quan tâm đến việc hiểu của trẻ em. Nhiều người lớn còn nhớ đã học vẹt bảng nhân và học bảng chữ cái như một chuỗi kí tự. Khi không hiểu, người ta cứ đọc cho hết bảng đến khi nào gặp được câu trả lời cần thiết.