Bản dịch của HIẾU TÂN

JOHN DEWEY

   John Dewey (1859 – 1952) Điều nổi bật nhất ở John Deway là quãng dài của lịch sử mà ông đã sống qua. Sinh ra trên đất Mỹ khoảng hai năm trước khi Nội chiến bùng nổ, và cùng năm với tên giết người đáng tởm Billy the Kid (Mỹ) và nhà danh hoạ Pháp Seurat, và lần xuất bản đầu tiên cuốn tiểu thuyết Chuyện về Hai Thành phố của Dickens, ông  kết thúc cuộc đời bảy năm sau khi Thế Chiến II chấm dứt và tám năm trước khi nổ ra “những năm sáu mươi chao đảo” với âm nhạc của Elvis Presley, The Beatles và Bob Dylan. Dewey sinh ra trong một thế giới mà Nữ hoàng Victoria trị vì Đế quốc Anh, nơi mà các cựu chiến binh Anh đã quen với những trải nghiệm mới qua của họ về chiến tranh Crime và Cuộc tấn công của Lữ đoàn Khinh kỵ, và dân tộc Anh hoan nghênh tác phẩm của Florence Nightingale. Theo một nghĩa nào đó, ông đã lấp kín khoảng cách giữa cái cũ và cái hiện đại. Dewey lớn lên và sống ở Hoa Kỳ, nơi có sự xung đột cực kì căng thẳng về sắc tộc ở nhiều vùng của đất nước, và nơi mà trẻ em ở một số bang không được ban cho cùng những quyền con người và quyền dân sự như những trẻ em khác, chỉ vì chúng là da màu[1]

Khảo sát sâu tác phẩm của Dewey là quan trọng vì bản chất gây tranh cãi của những tư tưởng của ông và vì ảnh hưởng lớn lao của ông trên thực tiễn giáo dục 50 năm qua và vẫn còn tiếp tục đến tận ngày nay. Có thể tìm thấy một điểm xuất phát tốt để tìm hiểu ảnh hưởng của Dewey lên hệ thống giáo dục trong những lời sau đây của triết gia Hoa Kỳ Nell Noddings (2005), trích dẫn trong Pring:

 Ông (Dewey) không chỉ được hoan nghênh như cứu tinh của nền giáo dục Hoa Kỳ bởi những ai tán thành sự tham gia nhiều hơn của sinh viên vào việc lập kế hoạch và hoạt động của chính họ, mà ông còn bị gọi là “tồi tệ hơn Hitler” bởi những kẻ cảm thấy ông đã làm nhiễm độc các trường học bằng thuyết tương đối về nhận thức và đạo đức và đã lấy xã hội hoá thay thế cho giáo dục thực sự.

Pring cũng dẫn sự cố sau đây như một phần kinh nghiệm của riêng ông trong mối quan hệ với ảnh hưởng của Dewey

  Thực tế khi tôi đến Oxford  năm 1989, tôi ngồi ăn tối gần Lord Keith Joseph, người đã từng là Bộ trưởng Giáo dục dưới thời Thủ tướng Margaret Thatcher. Ông lên án tôi phải chịu trách nhiệm về tất cả những vấn đề trong các trường học của chúng tôi, bởi vì tôi đã giới thiệu John Dewey với các thầy giáo.

Phải thừa nhận ngay từ đầu rằng Dewey viết ở một thời mà việc học và dạy ở trường phần lớn diễn ra một cách hình thức. Giáo dục mẫu giáo bị hiểu sai và giáo dục những năm đầu đời mà ngày nay chúng ta coi là đương nhiên thì khi ấy chưa hề tồn tại. Cũng nên nhớ rằng khi Dewey lớn lên và suy nghĩ về những kinh nghiệm của riêng ông về giáo dục và về việc có thể giáo dục trẻ em cách nào, thì trong tất cả các nước công nghệp hoá đang trỗi dậy, xã hội đã thay đổi phi thường. Trái ngược với kinh nghiệm đầu đời ở Hoa Kỳ, ở bên kia Đại Tây Dương trong nước Anh của Victoria đang lan tràn một thực tế tồi tệ gọi là trại trẻ(baby farming – trại chăn nuôi trẻ con).

   Vì thời đó không có những phương tiện tránh thai đáng tin cậy, nhiều phụ nữ Anh thời Victoria, nói chung là “gái nhà lành”, phải sinh con trong tình trạng ngoài hôn nhân. Kết quả của những cuộc sinh nở như thế thường là nỗi ô nhục trước xã hội. Mọi hình thức phá thai, vào thời ấy là bất hợp pháp, rất nguy hiểm và rất thường dẫn đến tử vong. Những người cha người mẹ vứt bỏ con đi như thế bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc. Vì những hình phạt khắc nghiệt do toà án của Victoria áp đặt, nhiều người trong số phụ nữ này gửi con “thuê” những gia đình khác nuôi, với một khoản tiền lớn lúc đó, khoảng 10 đến 20 bảng. Thời đó không có những dịch vụ chính thức nhận con nuôi nên cách thuê nuôi con bên ngoài trở nên rất phổ biến. Trong số phụ nữ nhận nuôi những trẻ em như thế có những kẻ vô lương tâm và nhiều trẻ em trở thành không cha không mẹ. Có những phụ nữ đối xử tàn tệ với trẻ em được giao cho họ nuôi, và  thậm chí có kẻ còn giết trẻ em, một số ít trong chúng được nhận dạng là những kẻ giết người hàng loạt. Những kẻ nuôi trẻ bị bắt vì tội giết trẻ phải đối mặt với án tử hình và bị treo cổ. Một trong những trường hợp như thế là Selina Wedge bị treo cổ ngày 15 tháng Tám 1878 tại Bodmin trong quận Cornwall sau khi giết đứa con bất hợp pháp của thị. Vào thời gian hành hình Selina Wedge, Dewey được 19 tuổi, Montessori 8 tuổi và Steiner 17 tuổi.

DEWEY VÀ GIÁO DỤC

Trong tâm trí nhiều người Dewey gắn liền với khái niệmgiáo dục lấy trẻ em làm trung tâm. Cốt lõi của triết lí giáo dục của Dewey là tầm quan trọng của việc hiểu những trải nghiệm của trẻ em. Tuy nhiên nên nhớ rằng một hiểu sai phổ biến triết lí của Dewey là cho rằng ông ủng hộ nền giáo dục tự do, để sinh viên dẫn dắt. Thật ra, ông tin tưởng mạnh mẽ rằng việc giáo dục trẻ em đòi hỏi một kết cấu mạch lạc. Dewey cũng tin rằng trẻ em cần được giúp đỡ và hướng dẫn trong việc tổ chức công việc học tập của mình để đạt thuận lợi tối đa. Giống như nhiều nhà triết học và lí luận trước và sau ông, Dewey là người ủng hộ quan điểm cho rằng nhà giáo dục phải nhận thức được tính độc nhất của mỗi cá nhân đứa trẻ. Dewey cho rằng tính độc nhất này được hình thành bởi di truyền và qua kinh nghiệm. Có thể thấy rằng Dewey đã đi trước thời đại mình trong việc ông tin rằng mỗi đứa trẻ tham dự vào chương trrình học tập do nhà trường của nó đưa ra theo những cách khác nhau về chất. Vì thế, ông cho rằng chương trình học tập nên tính đến và tạo điều kiện cho những sự khác nhau này. Dewey cũng ủng hộ quan điểm cho rằng nên coi giáo dục có một mục đích xã hội rộng lớn, tức là chuẩn bị cho trẻ em trở thành những thành viên tích cực của xã hội và được đánh giá bởi chính xã hội ấy. Thực tế, Dewey đã nhìn thấy giáo dục và dân chủ có sự gắn bó hữu cơ.

Trung tâm của triết lý giáo dục của Dewey là những quan điểm của ông rút ra từ Trường Thực nghiệmlà nơi ông có thể xem xét kĩ lưỡng và phân tích những tư tưởng và lập trường lý thuyết của  ông (Dewey mở các Trường Thực nghiệm năm 1886 ở Chicago, thu nhận học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12). Pring đưa ra lời bình sau đây:

 đằng sau trường thực nghiệm của Dewey là một quan điểm đặc biệt về một người học viên bình thường: một người có trí tò mò và hứng thú, nhưng sự tò mò và hứng thú của anh ta bị là cạn kiệt vì lối học không đếm xỉa gì đến hứng thú trong việc học (2007, tr 16) 

Dewey tâm đắc hai khái niệm quan trọng: Một là, các trường học nên được xem là những cộng đồng bên trong bản thân chúng, hai là, các nhà giáo không thể làm thay đổi những kinh nghiệm quá khứ của đứa trẻ. Điều này cũng áp dụng cho những người làm việc trong lĩnh vực dạy dỗ trẻ nhỏ. Dewey lập luận rằng các nhà giáo phải xử lý hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, bằng cách đi sâu vào quá trình tìm hiểu những trải nghiệm quá khứ của học sinh của họ, họ có thể biết nhiều hơn và nhận thức rõ hơn về việc làm thế nào để đem lại sự thay đổi đối với những gì học sinh sẽ học và bằng cách nào nó trực tiếp thích hợp với từng học sinh. Pring tóm tắt những quan điểm của Dewey:

 Trước hết, nhà trường nên là sự mở rộng của gia đình và cộng đồng ..Thứ hai, nhà trường nên coi trọng những hoạt động thể chất và thực tiễn. Thứ ba, những mối quan tâm của lớp trẻ nên được đối xử như bản thân chúng có quyền được coi là quan trọng, chứ không phải như điều gì đó có thể lợi dụng theo những mục đích của thày giáo nhằm động viên họ làm những việc gì đó mà họ không thật sự quan tâm. Thứ tư, giá trị của chúng (những môn học trong trường) nằm ở tính hữu ích của chúng. Thứ năm, một cậu thiếu niên có những mối quan tâm được người ta đối xử nghiêm túc và thày giáo tìm cách phát triển những mối quan tâm ấy thì sẽ tự khép mình vào kỉ luật theo đuổi những mối quan tâm ấy – làm cho chế độ kỉ luật áp đặt từ bên ngoài trở nên không còn thích đáng (2007, tr 15 -17)

Xét theo những quan điểm của Dewey thì có thể suy ra rằng tất cả chúng ta học từ chính những gì chúng ta làm. Trong trường hợp trẻ nhỏ những kinh nghiệm của chúng có giá trị trực tiếp rất lớn ở chỗ chúng sẽ ảnh hưởng đến những trải nghiệm và việc học trong tương lai. Tuy nhiên theo Dewey, kinh nghiệm không có giá trị gắn liền trong bản thân chúng. Đúng hơn là, chính những gì mỗi cá nhân rút ra từ trải nghiệm mới là quan trọng, và không có hai cá nhân đối phó với một kinh nghiệm theo cùng một cách. Điều có lợi cho người này có thể là tàn hại đối với người khác. Bây giờ chúng ta quay sang một nhân vật mà nhiều người cho rằng đã ảnh hưởng rất lớn đến tư duy và thực tiễn của chúng ta trong lĩnh vực giáo dục những năm đầu đời.


[1]Lưu ý: đây là nói về thời J. Dewey sống (ND)