Điếm sách: Colin J. Smith and Robert Laslett. 1993. Hướng dẫn quản lý lớp học hiệu quả dành cho giáo viên [Effective classroom management: A teachers’ guide]. London: Routledge; 153 trang, US $45.47 (Amazon)

KIM QUÝ
(Tiến sĩ khoa Giáo dục Sau đại học, ĐH Melbourne, chuyên ngành về chương trình học và sư phạm)

Tác giả và nhà giáo dục Phạm Toàn, người sáng lập và điều hành nhóm Cánh Buồm

Liệu có một khả năng huyền bí đặc biệt nào đó đã giúp một giáo viên có thể có thể khiến một lớp học náo động lặng yên khi chỉ vừa xuất hiện trước cửa lớp, làm học sinh trở lại hành vi ngay ngắn chỉ bằng một cái liếc mắt, hay khiến một lớp học rộn ràng, vui vẻ với hoạt động học? 

Có lẽ một giáo viên quản lý lớp ở trình độ cừ khôi có thể sở hữu một sức hút cá nhân nào đó, nhưng các tác giả Colin Smith và Robert Laslett (hai giảng viên chuyên ngành khoa học giáo dục của đại học Birmingham, Anh Quốc), qua cuốn sách “Quản lý lớp học hiệu quả dành cho giáo viên” (2002) đã khẳng định có những kĩ năng mà mọi giáo viên, gồm những giáo viên mới vào nghề, đều có thể rèn luyện được cho mình.

Thông thường những giáo viên hiệu quả phát triển những kinh nghiệm quản lý lớp mà không cần phải bận tâm nhiều về những lý thuyết đằng sau chúng. Điều mà cuốn sách này làm được là mô tả được những hoạt động hiệu quả và đồng thời giải thích những lý thuyết liên quan, chính vì thế cuốn sách có nhiều lời khuyên thiết thực dành cho các giáo viên mới vào nghề cũng như những người đào tạo giáo viên. Theo các tác giả, từ ‘quản lý’ được sử dụng thay cho từ ‘kiểm soát’ lớp học bởi vì họ tin rằng: 

“Cũng như những nhà quản lý trong ngành công thương biết cách tránh những xung đột gây gián đoạn sản xuất, những giáo viên thành công trong lớp học không phải lúc nào cũng cần chứng minh mình là ‘ông/ bà chủ’. Nhưng có những thời điểm mà giáo viên cần thể hiện cái uy của mình một cách rõ ràng, và chúng tôi không lảng tránh điều này. Nhưng chúng tôi cũng tin rằng việc quản lý lớp học hiệu quả phụ thuộc vào việc giáo viên và học sinh làm việc một cách công bằng vì họ cùng tự tin thay vì phụ thuộc vào những mệnh lệnh áp đặt và sự tuân theo thụ động.

Các tác giả cho rằng, ở một khía cạnh nào đó thì quản lý lớp học hiệu quả cũng không khác với việc chơi cờ, mặc dù hai hoạt động này có điểm khác căn bản ở chỗ giáo viên và trẻ em không phải là đối thủ trong lớp học. Nhưng chắc hẳn rằng những giáo viên gạo cội biết đến việc đi nước cờ đầu tiên và hệ quả của nó đối với những bước tiếp theo; họ biết phạm vi nào là rủi ro và làm thế nào tránh được chiếu tướng hoặc chiếu tướng được đối phương. Họ cũng biết tìm hiểu và tôn trọng người đối diện với mình. Nhưng cho dù có hiểu biết rộng đến bao nhiêu về những bước đi đầu tiên hay tiếp theo đó thì cũng không đủ để đảm bảo thành công. Kiến thức cần phải được áp dụng cùng với sự nhạy bén và trí tưởng tượng vốn chỉ có được trong thực tiễn. Đồng thời, thực tiễn có thể được cải thiện nhờ biết được những câu chuyện thành công của người khác. Hoạt động thực tiễn trong lớp học có thể được cải thiện bằng cách tìm hiểu người khác thành công ra sao và hiểu được nguyên lý mà những hoạt động đó lấy làm nền tảng.

Với quan điểm quản lý lớp học hiệu quả không phải là năng lực hay khả năng của một cá nhân giáo viên, mà là sản phẩm kết hợp của các yếu tố gồm kĩ năng, tri thức và hiểu biết được cả giáo viên và nhà trường phát triển. Các yếu tố này liên quan tới một khía cạnh của việc dạy học và trong tiếng Anh chúng bắt đầu với chữ ‘M’: 

• Quản lý/Management là thuật ngữ chỉ kĩ năng tổ chức và trình bày tiết học sao cho tất cả học sinh đều tham gia tích cực vào việc học. Điều này đòi hỏi khả năng phân tích những yếu tố và giai đoạn của một tiết học, lựa chọn và sử dụng vật liệu phù hợp và giảm thiểu những mầm mống gây xung đột trong lớp học. 
• Hòa giải/Mediation là kiến thức để giúp tư vấn và hướng dẫn một số học sinh tăng cường sự tự tin và tự trọng nơi bản thân (self-concepts) và tránh những xung đột gây hại trong lớp học. 
* Cải đổi/Modification là biết áp dụng lý thuyết về hoạt động học để thiết kế những chương trình giúp hình thành và thay đổi hành vi của học sinh qua các hình thức thưởng phạt phù hợp. 
• Giám sát/ Monitoring là việc kiểm tra tính hiệu quả của các chính sách nhà trường về kỉ luật và chăm sóc tinh thần của học sinh và những hoạt động hỗ trợ của đội ngũ quản lý trong việc giúp giáo viên tránh căng thẳng và xử lý những vấn đề về quản lý lớp học. 
Nội dung tổng quát của cuốn sách gồm 4 phần, cũng chính là 4 yếu tố tạo nên tính hiệu quả trong việc quản lý lớp học: 

Phần I – Quản lý
1. Bốn quy tắc quản lý lớp học
2. Phân tích sự tổ chức lớp học
3. Làm giảm những ngòi xung đột

Phần II – Hòa giải
4. Tư vấn và thảo luận với những học sinh gây rối
5. Xung đột trong lớp học: những học sinh có vấn đề về hành vi
6. Xung đột trong lớp học: các chiến lược dành cho giáo viên
7. Giáo viên điềm tĩnh, kiên cường và giáo viên rắc rối

Phần III– Cải đổi 
8. Tưởng thưởng và Trách phạt

Phần IV – Giám sát
9. Áp lực và cảm xúc của giáo viên
10. Trợ giúp đồng nghiêp