Bản dịch của HIẾU TÂN

URIE BRONFENBRENNER

   Urie Bronfenbrenner (sinh 1917) Urie Bronfenbrenner sinh ra ở Moscow và khi lên 6 tuổi ông cùng với gia đình chuyển đến Hoa Kỳ. Bronfenbrenner được một học bổng học môn tâm lí học ở Đại học Cornell năm 1934, Sau đó ông phục vụ trong quân đội từ 1942 đến 1946 trong những năm cuối Thế Chiến II với tư cách nhà tâm lí học. Năm 1979, Bronfenbrenner xuất bản một cuốn sách giáo khoa sơ khai “Sinh thái học về Sự Phát triển của Con Người” trong đó ông trình bày quan điểm của ông về sự phát triển của trẻ em. Bronfenbrenner là đồng sáng lập chương trình Head Start, và có lẽ được biết đến nhiều nhất qua tác phẩm Mô hình các Hệ thống Sinh thái, nay được đặt lại thành Mô hình Sinh thái sinh học.  

   Bronfenbrenner nhấn mạnh trẻ em lớn lên như thế nào trong các môi trường văn hóa sôi động và thường xuyên biến đổi, trong đó chúng phải tương tác và liên hệ với những gì xung quanh chúng trong những bối cảnh thường xuyên thay đổi (Bronfenbrenner, 1979; Bronfenbrenner và Ceci, 1994). Khi trẻ em lớn lên và phát triển, bản chất và phẩm chất của những mối tương tác của chúng thay đổi và quá trình này xảy ra bên trong các cộng đồng, các nền văn hoá và các xã hội rộng hơn, tất cả những cái đó có những đặc trưng riêng có thể nhận biết và có thể xác định (Smith et al., 2003, tr 9). Chẳng hạn ta lấy các trường hợp của Tracey và Ben, coi như bây giờ chúng đã lớn và học năm đầu trường trung học. Ở đây, điều quan trọng là nhấn mạnh các nhà thực hành cần thấy trước rằng những trẻ em mà họ làm việc với không chỉ là những ‘trẻ nhỏ’ mà là những cá nhân duy nhất đang bắt đầu những giai đoạn trong phần còn lại của cuộc đời.

 Thí dụ: Một số năm đã trôi qua và Tracey và Ben bây giờ đang học năm đầu tiên trường trung học, ở đó có một mức độ tương đối cao sự không thân thiện trong một số nhỏ những học sinh lớn hơn, nhưng một mức độ cao về thành công và có động cơ học tập trong đa số học sinh nhằm lên được lớp sáu và sau đó lên cấp ba trung học. Mẹ của Tracey trở nên ổn định hơn với cuộc sống của bà và đã tìm được việc làm. Người bồ cũ của bà đã rời bỏ ngôi nhà của gia đình và một người bạn trai mới đã chuyển đến. Mặc dầu ông này không hung hãn, nhưng ông ta đã thất nghiệp đến mười năm. Cuộc sống của Ben thay đổi theo hướng bi thảm vì mẹ của cậu đã chết. Tiền bạc đã thành vấn đề vì cha của cậu đã phải nhận thêm việc làm bán thời gian để lo cho gia đình. Mặc dầu những thách đố này, Ben tiếp tục tích cực vì có động cơ rõ rệt, tập trung và phát triển những tình bạn tích cực với những học sinh cùng năm học có cùng động cơ và tập trung như cậu. Sau khi chuyển lên trung học, Tracey ngày càng chịu ảnh hưởng của nhóm bạn học mới, chủ yếu bao gồm những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khi học ở tiểu học liên quan đến hành vi và thiếu tiến bộ. Cô bé có vẻ bị lôi kéo đến những học sinh lớn hơn, những bạn này kém thân thiện, và giờ giải lao em thường quan sát họ rất kỹ.  

   Không chỉ những hoàn cảnh vật chất và địa lí khiến trường mới của Tracey và Ben khác xa với trường tiểu học, văn hoá của môi trường trường học mới của họ cũng khác cơ bản với những qui tắc mới cần phải học, những mong chờ mới nơi các thày giáo, và đặc biệt hơn, toàn bộ tập hợp mới những mong đợi của các bạn cùng học. Trong trường mới sự khác biệt về phong cách sâu xa hơn, họ đã bắt đầu hấp thụ và hiểu những qui tắc ngầm và những hành vi của các bạn đồng học và đặc biệt những thanh niên nam nữ lớn hơn. Ngoài những nhân tố gián tiếp này, xã hội và cấu trúc pháp lí của nó thừa nhận rằng Tracey và Ben nay đã lớn hơn và như vậy sẽ tăng mong đợi đặt lên họ để cư xử và hành động có trách nhiệm hơn và trách nhiệm giải trình hơn. Những trẻ em khác trong trường, và đặc biệt những trẻ lớn hơn sẽ hành động như vai trò mẫu cho Tracey và Ben. Chính sự nuôi dạy và vai trò gương mẫu của cha mẹ Tracey và Ben những năm ấu thơ, và những mối quan hệ của họ với những người khác trong những năm tháng ấy, bây giờ có tác dụng ổn định và giúp họ chống chọi khỏi bị lôi kéo vào những tình huống xã hội có lắm vấn đề tiềm tàng và giữ cho họ tập trung vào động cơ đúng đắn trong môi trường giáo dục mới này.

   Trong khi Bronfenbrenner nhấn mạnh nhiều đến môi trường xã hội rộng hơn khi cố gắng khám phá sự phát triển của đứa trẻ, ông cũng đề nghị rằng cần suy nghĩ về một số lớp bao bọc quanh trẻ em khi chúng phát triển. Những lớp này, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, tác động đến sự chín chắn về mặt sinh học của mọi đứa trẻ. Do đó, lí thuyết của Bronfenbrenner đòi hỏi rằng để khám phá toàn diện sự phát triển của đứa trẻ, chúng ta cần tính đến những ảnh hưởng môi trường rộng hơn lên đứa trẻ. Những lớp này định rõ lí thuyết của Bronfenbrenner đôi khi giống như những con búp bê Nga, những con nhỏ hơn được đặt bên trong con lớn hơn (Linden, 2005). Bronfenbrenner cho mỗi lớp bao quanh trẻ em này một cái tên. Lớp gần nhất và trực tiếp nhất với đứa trẻ là Hệ vi mô (Microsystem)

Định nghĩa

Microsystem: môi trường trực tiếp (trường học, nhóm bạn, láng giềng và môi trường nuôi dạy trẻ)

Mesosystem: Một hệ thống bao gồm những mối quan hệ giữa những môi trường trực tiếp (chẳng hạn gia đình và nhà trường)

Exosystem: những môi trường bên ngoài chỉ ảnh hưởng gián tiếp đến sự phát triển (như chỗ làm việc của cha mẹ)

Macrosystem: Bối cảnh văn hoá rộng lớn (văn hoá phương Đông hay phương Tây, kinh tế quốc dân, văn hoá chính trị, tiểu văn hoá).

Chronosystem: Mẫu hình những sự kiện môi trường và những bước chuyển quá độ trong suốt cuộc đời.

   Chính trong lớp Microsystem đứa trẻ có sự tiếp xúc trực tiếp nhất, chẳng hạn gia đình, trường mẫu giáo hoặc nhóm bạn chơi, cộng đồng của nó và láng giềng của nó. Bronfenbrenner đề nghị một quá trình hai chiều bên trong lớp này ảnh hưởng đến đứa trẻ, được gọi là “những ảnh hưởng hai chiều”. Trong khi đứa trẻ chịu ảnh hưởng bởi những hành vi, hành động và niềm tin của cha mẹ nó, đến lượt nó đứa trẻ cũng ảnh hưởng lại cha mẹ. Thí dụ một đứa bé nằm trong cũi không có một lí do gì rõ ràng bỗng nhiên kêu lên ồn ã vui vẻ. Khi mẹ nó nghe tiếng ồn, bà chạy từ phòng khác đến bế đứa bé lên ôm ấp vỗ về và ủ cho nó ấm. Trong trường hợp ấy, đứa bé đã khởi đầu mối tương tác và người mẹ đáp lại. Như vậy, đứa bé còn ẵm ngửa thật ra đã ảnh hưởng đến hành vi của người mẹ. Như Bronfenbrenner đề nghị, mối quan hệ này là hai chiều. Bronfenbrenner đã đề xuất rằng những ảnh hưởng hai chiều này rất mạnh.

Lớp tiếp theo bao ngoài “Microsystem” là “Mesosystem” liên quan đến xây dựng những mối liên hệ giữa, chẳng hạn, giữa cha mẹ đứa trẻ và người thầy đầu tiên của nó, hoặc giữa cộng đồng địa phương và trường học của đứa trẻ. Ở đây, đứa trẻ liên hệ những kính nghiệm thu được ở trường với những kinh nghiệm trong gia đình. Do đó đứa trẻ rút ra sự so sánh giữa thầy giáo và cha mẹ nó, giữa những bạn bè ở trường mới và bạn hàng xóm của nó và giữa gia đình lớn, như giữa các anh chị ruột và các anh chị em họ.

Hình 6.1: Mô hình sinh thái học của sự phát triển cá nhân

Nếu những thành viên của gia đình đứa trẻ là thành viên chính thức và thường xuyên của một câu lạc bộ thể thao chẳng hạn, thì sẽ có những sự liên hệ và so sánh giữa những cá nhân trong câu lạc bộ này và lối sống của họ và những bối cảnh gia đình của họ.

  Bên ngoài lớp “Mesosystem” là lớp “Exosystem” – hệ thống xã hội rộng lớn hơn của đứa trẻ. Chẳng hạn, sự miệt mài với công việc của cha mẹ, mức thu nhập của họ, tác động lên lớp Mesosystem của đứa trẻ. Bên trong lớp “Exosystem” kinh nnghiệm xã hội rộng hơn của trẻ em cũng sẽ tác động gián tiếp lên chúng. Một thí dụ là khí hậu kinh tế hiện tại ở Anh, nơi mà nhìều thư viện công bị đề nghị đóng cửa, và Uỷ ban quản lí Rừng sẽ bán một số phần trăm đất rừng cho tư nhân phát triển, như vậy gây nên nỗi lo sợ cho nhiều người rằng những nguồn tài nguyên và những hoạt động quan trọng đối với nhiều trẻ em, thanh niên và gia đình họ sẽ mất đi. Một thí dụ nữa có thể thấy ở Anh nơi chính phủ liên hiệp mới năm 2011 đề nghị đưa ra những thay đổi lớn đối với hệ thống trường học, thông qua việc đưa ra “những trường học tự do”, với khả năng lựa chọn lớn hơn nhiều cho các bậc cha mẹ, và xây dựng lại cách đào tạo giáo viên. Tất cả những nhân tố bên ngoài này sẽ tác động lên đời sống của nhiều trẻ em ở Anh.

   Bên ngoài lớp “Exosystem” là lớp “Macrosystem”, bao gồm văn hoá, các giá trị xã hội, các cấu trúc pháp lí, vân vân, của đứa trẻ. Tất cả những cái này tác động lên các lớp trong. Một đứa trẻ lớn lên trong một xã hội rất có truyền thống hoặc một cộng đồng hết sức coi trọng trẻ em, được nuôi dạy bởi cả cha mẹ và bác bỏ những ý tưởng về cha mẹ li thân hay li hôn, có thể sẽ nhận được ít sự nâng đỡ của một bản chất thực dụng hơn một đứa trẻ lớn lên trong một cộng đồng chấp nhận li thân và li hôn nhiều hơn. Bên trong lớp “Macrosystem”, những quan điểm tư tưởng có lịch sử thống trị lâu dài trong văn hoá của một cá nhân được coi là quan trọng bậc nhất. Lấy ví dụ trẻ em lớn lên ở Bắc Ai Len, nơi mà các cộng đồng đã nhiều năm chia rẽ vì những lí do tôn giáo, hoặc các bang miền nam nước Mỹ nơi nhiều thế hệ có những thành kiến chủng tộc như một phần của cuộc sống hằng ngày của họ, thì trong thực tế những thành kiến tôn giáo chủng tộc này sẽ hướng dẫn suy nghĩ và giáo dục của toàn thể những cộng đồng thanh thiếu niên.

   Bronfenbrenner còn nhận dạng một lớp nữa, lớp “Chronosystem”. Lớp “Chronosystem” là lớp có ý nghĩa về thời gian và cách nó giao diện với những môi trường trong đó trẻ em lớn lên. Khi trẻ em trưởng thành hơn, chúng tương tác một cách khác với môi trường của chúng và có thể trở nên gắn bó hơn với những khía cạnh của quản lí môi trường của chúng và những thay đổi mà chúng phải thương lượng khi chúng lớn lên. Ở đây, các bước chuyển biến là vô cùng quan trọng, ví dụ bắt đầu vào mẫu giáo, nhóm chơi, hoặc trường tiểu học, hay trong những trường hợp khác, chuyển từ gia đình có cả cha lẫn mẹ, qua li thân rồi li hôn của cha mẹ, trong một quãng thời gian dài. Khi những sự chuyển biến và những sự kiện diễn ra theo thời gian, đứa trẻ phát triển không chỉ về thể chất và nhận thức, mà cả về cảm xúc nữa. Cũng đáng xem xét Chronosystem đã ảnh hưởng đến Tracey và Ben như thế nào khi chúng chuyển lên trường trung học.

    Lí thuyết của Bronfenbrenner có thể bị phê phán về chỗ nó không chú ý đúng mức đến những nhu cầu tâm lí cá nhân của trẻ em, giống như công trình của Bandura. Lấy ví dụ những trải nghiệm của trẻ em mất cha mẹ qua li hôn, hay đặc biệt hơn, những em mất cha hoặc mẹ thông qua cái chết và thấy mình đi vào một giai đoạn đau buồn. Trong khi Bandura tập trung vào sự tự-lo của cá nhân đứa trẻ và mẫu học tập xung quanh nó tạo nên sức bật và những cơ chế đương đầu đối phó với nghịch cảnh, thì Bronfenbrenner tập trung vào lí lẽ rằng những sự kiện đau buồn vốn xảy ra trong tất cả các nền văn hoá và trong tất cả các xã hội và do đó, các hệ thống xã hội và kinh tế hiện tại có trách nhiệm nâng đỡ đứa trẻ.

          Tóm lược: Để mở rộng hiểu biết của chúng ta về giáo dục xã hội đối với trẻ nhỏ, chúng ta có thể nhờ đến tác phẩm của một số lí thuyết gia như Bandura và Bronfenbrenner. Những ý tưởng và những giả thuyết đã được xem xét và thử nghiệm kĩ lưỡng của họ cho ta những khuôn khổ hữu hiệu để tóm gọn và thử nghiệm những ý tưởng, suy nghĩ và nhận thức của chính chúng ta, mà chúng ta có được qua kinh nghiệm cá nhân và qua học tập. Bandura đề xuất rằng học tập không luôn luôn dẫn đến những thay đổi trong hành vi, và rằng trẻ em có thể quan sát những người khác mà những quan sát của chúng không nhất thiết dẫn đến những thay đổi trong hành vi. Ông còn đề nghị rằng động cơ đóng một vai trò quan trọng trong mối liên hệ giữa quan sát và thay đổi hành vi. Bandura coi động cơ là một nhấn tố then chốt trong sự phát triển của trẻ em và thanh niên, và coi khả năng tự-lo là trung tâm của phát triển giáo dục. Bronfenbrenner thấy các xã hội và các cộng đồng trên khắp thế giới đang diễn ra những thay đổi triệt để. Ông cho rằng các nền kinh tế thế giới đã thay đổi cơ bản và ngày nay chúng ta đã nhấn mạnh quá nhiều lên những nhân tố công nghệ thúc đẩy các nền kinh tế của chúng ta nhưng đi kèm với nó phần lớn thực tiễn công việc của chúng ta đã không thay đổi dẫn đến nhiều bậc cha mẹ bị tress quá lớn. Bronfenbrenner đề nghị rằng nghiên cứu sự phát triển của trẻ em nên xét đến các nhân tố kinh tế, xã hội và chính trị rộng lớn.  

Bảng 5.2 Những sự giống nhau và khác nhau giữa Bandura và Bronfenbrenner

Những điểm giống nhau Cả Bandura và Bronfenbrenner đều thừa nhận vai trò của những ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội. Trong khi không hoàn toàn chấp nhận những nguyên tắc do thuyết hành vi truyền thống đưa ra, cả hai nhấn mạnh ý nghĩa của học tập xã hội. Cả hai coi những tương tác xã hội của trẻ em với những người khác xung quanh chúng là trung tâm của học tập và phát triển.   Cả hai thấy văn hoá góp một phần có ý nghĩa vào giáo dục và  rèn luyện của trẻ em. Cả hai lí thuyết gia này giống nhau ở chỗ không xem xét sự phát triển của trẻ em dưới hình thức các giai đoạn       Những điểm khác nhau Bronfenbrenner nhấn mạnh hơn lên ảnh hưởng gián tiếp như môi trường gia đình và cộng đồng. Ông cũng coi những nhân tố rộng hơn trong xã hội như khí hậu kinh tế chính trị có ảnh hưởng quan trọng lên học tập và phát triển của trẻ em. Bandura nhấn mạnh hơn đến sự phát triển nhận thức của trẻ em, đặc biệt về phương diện tác động của chúng lên thông tin nhận được từ môi trường bên ngoài. Không giống như Bronfenbrenner, Bandura nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trẻ em bắt chước và đồng nhất với những người khác xung quanh chúng. Bandura nhấn mạnh lên vấn đề tự-lo hơn Bronfenbrenner