Tác giả: Howard Gardner (Hoa Kỳ)

Dịch giả: Hoàng Hưng

NXB Tri Thức 

Xuất bản tháng 10/2020

ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU

Tác giả khảo sát tiến trình sáng tạo của 7 danh nhân thuộc 7 lĩnh vực trí khôn khác nhau:Freud, Einstein, Picasso, Stravinsky, Eliot, Graham và Gandhi để rút ra những đặc điểm của tính sáng tạo của các cá nhân trong mối quan hệ giữa tư chất bẩm sinh, ảnh hưởng gia đình, quan hệ nghề nghiệp, xã hội và chính trị. 

Một trong những cuốn sách có uy tín và hấp dẫn về tâm lý học TK XX. 

Sách có giá trị tham khảo quan trọng trong thời kỳ GD Việt Nam đang chuyển đổi căn bản từ giáo dục mang tính áp đặt sang nền giáo dục lấy HS làm trung tâm, phát huy trí sáng tạo của người học.

NHỮNG NGƯỜI LÀM GIÁO DỤC NÊN THAM KHẢO (NHẤT LÀ GIÁO VIÊN, PHỤ HUYNH HỌC SINH)

Tác giả: Howard Earl Gardner (sinh ngày 11 tháng 7 năm 1943), là nhà tâm lý học phát triển người Mỹ; giáo sư nghiên cứu về khoa học nhận thức và giáo dục của Trường Cao học Harvard thuộc Đại học Harvard, giám đốc Dự án Zero của Harvard (có mục tiêu nghiên cứu và cải thiện việc học, suy nghĩ và sáng tạo trong nghệ thuật và các ngành khác), và từ 1995 là đồng giám đốc Dự án The Good Project (có mục tiêu cổ động sự dấn thân và đạo đức trong giáo dục). Gardner đã viết hàng trăm bài nghiên cứu và 30 cuốn sách (được dịch ra hơn 30 thứ tiếng). Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Frames of Mind: The Theory of Multiple Intelligences(Bản dịch tiếng Việt của nhà giáo Phạm Toàn: “Cơ cấu trí khôn – Lý thuyết về nhiều dạng trí khôn”, Tri Thức xuất bản năm 2012, tái bản 2014, 2015, 2016, 2017, 2019).

Tác phẩm mới in tại Việt Nam: the Unschooled Mind (Trí khôn phi học đường, Phạm Anh Tuấn dịch, NXB Tri thức 2020).

Dịch giả: Hoàng Hưng (1942) là cựu giáo viên Văn Trung học, dịch giả, người sáng lập và điều hành Tủ sách TLH Giáo dục Cánh Buồm của NXB Tri Thức.

Đã có nhiều sách dịch được tài trợ xuất bản của Pháp, Mỹ, Thuỵ Điển

Đã được Tặng thưởng về Dịch thuật Văn học của Hội Nhà văn VN (1997) và Giải Sách Hay về Dịch thuật Giáo dục của Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh và Viện Giáo dục IRED (2016)

NHỮNG NỘI DUNG QUAN TRỌNG CỦA SÁCH

ĐỊNH NGHĨA KHÁI QUÁT VỀ NGƯỜI SÁNG TẠO

Cá nhân sáng tạo là người đều đặn giải các bài toán, tân tạo các sản phẩm, hay xác định những câu hỏi trong một lĩnh vực theo một cách thức mà ban đầu được coi là mới mẻ nhưng cuối cùng trở nên được chấp nhận trong một thiết chế văn hóa riêng biệt.

Chân dung 1 nhà sáng tạo kiểu mẫu (E.C.)

E. C. đến từ một địa phương có phần xa cách những trung tâm quyền lực và ảnh hưởng đương thời của xã hội, nhưng không quá xa đến mức khiến gia đình cô hoàn toàn không biết đến những gì đang diễn ra ở nơi khác. Gia đình không giàu có cũng không ở trong hoàn cảnh tài chính tệ hại, và cuộc sống của nhà sáng tạo trẻ thì tương đối thoải mái, theo nghĩa vật chất. Không khí trong nhà thì đứng đắn hơn là ấm áp, và nhà sáng tạo trẻ thường cảm thấy hơi xa lạ với gia đình sinh học của mình; thậm chí dù cho E. C. có liên hệ chặt chẽ với cha hoặc mẹ, cô cũng cảm thấy có mâu thuẫn trong tình cảm. Những mối liên hệ thân mật có vẻ tồn tại nhiều hơn giữa E. C. và người bà, người bảo mẫu hay một thành viên xa hơn của gia đình. 

Gia đình E. C. không có học vấn cao, nhưng biết giá trị của việc học hành và thành công, mà họ trông đợi khá cao. Nói cho gọn, họ là những nguyên mẫu của giới trưởng giả, ôm ấp những tham vọng, sự trọng vọng, và biết giá trị của lao động vất vả, những gì trở thành liên kết với giai tầng này, đặc biệt ở cuối thế kỉ XIX. Các địa hạt mạnh của E. C. nổi lên từ tuổi tương đối trẻ, và gia đình khuyến khích những sự quan tâm ấy, mặc dù họ cũng nghĩ nước đôi về một nghề nghiệp nằm bên ngoài những nghề nghiệp ổn định. Trong nhà có một không khí đạo đức, nếu không là tôn giáo, và E. C. phát triển một ý thức nghiêm chỉnh, ý thức này có thể chống lại cô nhưng cũng chống lại những người khác nếu họ không rơi vào những mẫu ứng xử mà cô trông đợi. Nhà sáng tạo thường đi qua một thời kì sùng đạo, thời kì này sẽ bị vứt bỏ và có thể, nhưng không nhất thiết, được thấy lại về cuối đời.

Rồi đến thời gian mà đứa trẻ lớn lên, thành một thiếu niên, dường như đã lớn vượt lên trên môi trường gia đình. E. C. đã đầu tư một thập niên lao động để làm chủ một lĩnh vực và gần như tiến lên hàng đầu; cô đã có một ít kiến thức thêm vào những gì học được từ gia đình và các chuyên gia địa phương, và cảm thấy nhanh chóng bị thúc đẩy phải tự thử sức chống lại những người trẻ khác trong cùng lĩnh vực. Và như thế, là một thiếu niên hay thanh niên trẻ, E. C. phiêu lưu tới thành phố, nơi được coi như một trung tâm của các hoạt động quan trọng cho lĩnh vực của cô. Với tốc độ đáng ngạc nhiên, E. C. khám phá trong đại đô thị một loạt bạn cùng đẳng cấp chia sẻ với mình cùng những mối quan tâm; cùng nhau, họ thăm dò địa hìnhcủa lĩnh vực, thường tổ chức ra các định chế, đưa ra những tuyên ngôn, và khuyến khích nhau đi lên những tầm cao mới. Đôi khi E. C. trực tiếp tiến hành công việc trong một lĩnh vực đã chọn mặc dù cô cũng có thể đã thử sức với một số nghề khác nhau cho đến một thời điểm kết tinh.

Trải nghiệm trong các lĩnh vực thì khác nhau, và không có chỗ để nói về chúng ở đây. Tuy nhiên, với tốc độ nhanh chậm khác nhau, E. C. đã khám phá ra một địa hạt hay khu vực vấn đề đặc biệt thú vị, hứa hẹn đưa lĩnh vực tới những vùng chưa có tên trên bản đồ. Đó là thời điểm phải trả giá cao. Ở điểm này, E. C. trở nên cô lập khỏi các bạn cùng đẳng cấp và phải làm việc phần lớn một mình. Cô cảm thấy mình đang trên ngưỡng cửa của một sự đột phá mới chỉ được hiểu rất ít ngay cả bởi chính mình. Thật bất ngờ, ở thời điểm trọng yếu này, E. C. khao khát sự ủng hộ cả về nhận thức lẫn tình cảm để có thể giữ được những ấp ủ của mình. Thiếu sự ủng hộ đó, cô ta sẽ có thể phải chịu một trải nghiệm như kiểu đổ vỡ. 

Tất nhiên, trong những hoàn cảnh may mắn mà chúng ta đã xem xét, E. C. thành công trong việc thực hiện ít nhất một cuộc đột phá trọng yếu. Và, trường [field] nhanh chóng thừa nhận sức mạnh của cuộc đột phá. Sự việc đặc biệt này khiến E. C. cảm thấy cô có vẻ như muốn đi vào những sự giàn xếp đặc biệt – một cuộc mặc cả kiểu Faust – để duy trì dòng chảy từ công việc hữu hiệu, cách tân. Đối với E. C., cuộc mặc cả này bao hàm tinh thần khổ dâm và hành xử bất xứng đối với người khác, và có lúc, bao hàm cảm giác hiệp thông trực tiếp với Thượng đế. E. C. làm việc gần như suốt thời gian, đòi hỏi ghê gớm ở bản thân và ở người khác, luôn luôn nâng giá đặt cọc… Cô tự tin, có năng lực xử trí với những lỗi ban đầu, tự hào, ương bướng và khó thừa nhận sai lầm. 

Với nghị lực và cam kết lớn lao của E. C., cô có cơ hội cho cuộc đột phá thứ hai, xảy ra một thập niên sau cuộc thứ nhất. Cuộc thứ hai ít triệt để hơn, nhưng toàn diện hơn và tích hợp mật thiết hơn với những tác phẩm trước đó của E. C. trong cùng lĩnh vực. Bản chất lĩnh vực của E. C. xác định liệu có cơ hội cho cuộc đột phá nào nữa không. (Việc tiếp tục có tính sáng tạo cao hơn dễ xảy ra trong các môn nghệ thuật hơn là trong các môn khoa học). E. C. toan tính giữ lấy tính sáng tạo; cô sẽ đi tìm vị thế bên lề hay nâng cao giá cược vào sự không đồng bộ để duy trì sự mới mẻ và bảo đảm dòng chảy đi theo những thử thách lớn và những khám phá thú vị. Khi E. C. cho ra ào ạt tác phẩm mới, một số ít trong đó nổi bật lên như mang tính định hình, cả cho bản thân E. C. lẫn cho các thành viên của trường [field] xung quanh.

Không tránh khỏi với tuổi tác, những hạn chế về sức mạnh sáng tạo của E. C. xuất hiện. Đôi khi bà khai thác những người trẻ làm phương tiện hồi xuân. Thấy ngày càng khó đạt được những tác phẩm độc đáo mới, E. C. trở thành nhà phê bình hay bình luận được đánh giá cao. Một số nhà sáng tạo chết trẻ, tất nhiên, nhưng trong trường hợp các nhà sáng tạo của chúng ta, bà sống đến già, và tiếp tục đóng góp có ý nghĩa cho đến lúc chết.

NHỮNG KHÍA CẠNH CẦN LƯU Ý CỦA TÍNH SÁNG TẠO:

TRÌNH ĐỘ CÁ NHÂN

7 dạng trí khôn và thời điểm bộc lộ

Các nhà sáng tạo thể hiện những cái mạnh về trí tuệ khác nhau rõ rệt, cũng như thế, mối quan hệ của họ với tư chất thần đồng cũng hoàn toàn khác nhau

… Phẩm chất của những năm đầu đời này có tính quyết định. Nếu như, lúc đầu đời, đứa trẻ có cơ hội khám phá nhiều về thế giới của mình và khám phá nó theo một con đường tiện lợi, có tính khai phá, thì trẻ sẽ tích lũy được “vốn sáng tạo” [capital of creativity] mà nó sẽ dựa vào sau này. Nếu, mặt khác, đứa trẻ bị kiềm chế không được có các hoạt động khám phá, cứ bị đẩy đi theo chỉ một hướng nào đó, hay bị đè nặng bởi quan điểm chỉ có một câu trả lời đúng hoặc những câu trả lời đúng chỉ do những người có thẩm quyền ban phát, thì những cơ may cho trẻ có thể đưa ra câu trả lời của riêng mình sẽ giảm thiểu một cách đáng kể.

Nhân cách và động cơ. 

Các cá nhân kiểu E. C. thật sự là tự tin, linh lợi, không nệ quy tắc, làm việc miệt mài và bị công việc ám ảnh. Đời sống xã hội hay những công việc thú vui nho nhỏ phần lớn là phi vật chất và chỉ chiếm rất ít thời gian của các nhà sáng tạo. Sự tự tin lẫn với thói ích kỉ, quy ngã và tự chiêm ngắm: mỗi nhà sáng tạo dường như đều tự chìm đắm vào bản thân cao độ, không chỉ hoàn toàn chìm đắm vào những dự án của chính mình, mà dễ dàng theo đuổi chúng với cái giá phải trả của những cá nhân khác. Nhà tâm lí học người Anh Hans Eysenck đã gợi ý rằng thậm chí có thể có một cơ sở di truyền cho cái hỗn hống [amalgam] của tính sáng tạo và sự cứng đầu.

Tinh trẻ thơ

Một đặc trưng đáng ghi nhận của tính sáng tạo, như tôi đã luận giải, là sự pha trộn đặc biệt của tính trẻ thơ và tính già dặn. Sự pha trộn này có thể xảy ra cả trong lĩnh vực nhân cách lẫn lĩnh vực các ý tưởng. Nó có thể có màu sắc tích cực nhiều hơn (khi tính trẻ thơ là ở sự ngây thơ hay tươi mát) hay tiêu cực nhiều hơn (khi tính trẻ thơ là ở sự tự thị hay trả đũa).

Các khía cạnh xã hội – tâm lí

GIA ĐÌNH

Mặc dù mỗi nhà sáng tạo đều dường như đã xuất thân từ một gia đình ủng hộ mình một cách vừa phải, thì sự thân tình và ấm áp vô điều kiện có thể ngắn ngủi, có lẽ trừ sự chăm sóc của một người bà

Sự nghiêm khắc là dấu ấn của phần lớn các gia đình. Một chế độ kiểu “đức hạnh Tin lành” có kỉ luật khiến cho những đứa trẻ có được năng lực gắn với các nhiệm vụ và tiến bộ nhanh trong việc học hành hay trong địa hạt chuyên môn của chúng. Cuối cùng, mỗi nhà sáng tạo đều nổi loạn chống lại sự kiểm soát

Tôi nghĩ không thể có sự nổi loạn như thế nếu không có hai nhân tố: (1) kĩ năng và tài năng đủ cho phép ta chọn một suộc sống khác với cha mẹ, và (2) những hình mẫu tích cực của một cuộc đời sáng tạo trong thời thơ ấu. Gia đình của bảy nhà sáng tạo này có thể nghiêm khắc và bảo thủ, nhưng đã có những dấu hiệu, bên trong hay bên ngoài gia đình, có thể cho phép họ bắt đầu con đường của riêng mình chừng nào họ tự tin vào chính mình

Nhận biết được, những mối quan hệ này nhắc ta để ý lại các liên kết vào đầu đời của nhà sáng tạo. Một hình mẫu là những sự trao đổi diễn ra giữa người mẹ và đứa con, khi người mẹ toan tính dạy con ngôn ngữ và các luật lệ trong nền văn hóa của hai người. Nhờ những cố gắng diễn giải không ngừng của người mẹ, đứa trẻ đi từ trạng thái không biết gì đến trạng thái hiểu biết. Một hình mẫu khác là những sự trao đổi giữa các bạn bè thân – anh chị em ruột hay những người cùng đẳng cấp, trình độ – khi họ cùng nhau thăm dò thế giới chưa quen biết và chia sẻ với nhau những gì mình khám phá được.

Những tiến trình như thế phải tái diễn vào lúc có sự đột phá. Điều khác biệt là ngôn ngữ được tạo ra là mới mẻ không chỉ cho riêng một đứa trẻ mà cho phần còn lại của thế giới. Nhà sáng tạo phải trải qua việc khám phá ra ngôn ngữ ấy, như một biện pháp giải quyết một số vấn đề – thường là vấn đề cá nhân cũng như về một ngành khoa học – và có lẽ, cũng là việc soi sáng những người khác. Nhà sáng tạo phải có năng lực chế ra và hiểu rõ ngôn ngữ này đủ để sử dụng nó rồi làm chủ nó để truyền thông đến những người khác (nếu không sẽ là tự kỉ). Làm những việc này, nhà sáng tạo dựa vào những hình mẫu trước đó về việc dạy một ngôn ngữ mới cho một học trò chưa có kiến thức nhưng có chí học hành. 

Sẽ là kì cục và không cần thiết nếu cứ cho rằng hình thức truyền thông này thể hiện bất kì kiểu làm lại một cách ý thức cuộc đối thoại mẹ-con, hay kiểu trò chuyện thân mật diễn ra lúc đầu đời, chẳng hạn như giữa anh chị em ruột, anh chị em sinh đôi, hay bạn bè thân. Song, tôi tìm thấy những sự tương tự này có lợi cho việc chuyển tải hương vị đặc biệt của sự trao đổi ấy. Tôi sẽ nói thêm rằng một nhà sáng tạo không trải qua một tiến trình truyền thông hữu hiệu lúc đầu đời, như thể cuộc đối thoại mẹ-con hay vú nuôi-đứa bé hay cuộc trò chuyện giữa bạn bè thân, sẽ có khó khăn trong việc thực hiện kiểu truyền thông triệt để nhất giữa những người trưởng thành. Đáng ghi nhận rằng sự ủng hộ này trong cuộc đời trưởng thành đặc biệt liên quan đến sự sáng tạo tác phẩm mới – sự tái diễn một tình huống trước đây trong đó người trưởng thành ban thưởng cho những thành tích của đứa trẻ có thiên bẩm.

Từ đó, tôi cho rằng thời gian đột phá sáng tạo là rất căng thẳng về cả mặt tình cảm lẫn nhận thức. Sự ủng hộ vào lúc này là cần thiết hơn nhiều so với bất kì lúc nào khác trong đời kể từ lúc còn thơ ấu. Kiểu truyền thông diễn ra là độc nhất vô nhị và quan trọng có một không hai, giống với việc dẫn dắt vào một ngôn ngữ mới lúc đầu đời, hơn là với những kiểu chuyện trò quen thuộc giữa các cá nhân đã chia sẻ với nhau cùng một ngôn ngữ. Sự trò chuyện thường chưa mạch lạc và vẫn đang vật vã, cũng thể hiện cái cách một nhà sáng tạo đo nghiệm sự tỉnh táo của mình, tuy là vẫn hiểu được đối với một thành viên đồng cảm trong đồng loại. 

TÍNH BÊN LỀ

Một số nhà sáng tạo mang tính bên lề một cách nổi bật là tình cờ do bẩm sinh: Einstein và Freud là người Do Thái ở những nước nói tiếng Đức, Graham là phụ nữ trong một thế giới có định hướng nam. Những người khác là bên lề bởi nơi họ đến để sống, bởi sự chọn lựa hay nhu cầu: Gandhi người Ấn ra nước ngoài sống trong đế quốc Anh; Stravinsky người Nga trong Tây Âu và Hoa Kì; Eliot người Mĩ ở London; Picasso người Tây Ban Nha ở Paris.

Thêm vào tính bên lề về nhân thân, mỗi nhà sáng tạo đều sử dụng tính bên lề của mình như một đòn bẩy trong công việc. Không chỉ khai thác tính bên lề của mình trong tác phẩm và cách làm ra tác phẩm; quan trọng hơn, mỗi khi liều trở thành thành viên của “giới thành danh”, họ sẽ lại chuyển đổi ngay dòng chảy để đạt được ít nhất là tính bên lề về trí tuệ. Freud trở nên hoài nghi mỗi khi công trình của mình được chấp nhận quá dễ dàng; Einstein lao động trong 30 năm cho khía cạnh không đại chúng của thuyết cơ-lượng tử; Picasso và Stravinsky thoạt tiên đã chối từ di sản nghệ thuật dòng chính, và trong những thập kỉ sau, lại chối từ việc bản thân không ngừng đi ra khỏi nó; Eliot đi theo những ý tưởng chính trị xã hội không thời thượng rồi đến giữa cuộc đời lại trở thành nhà viết kịch; Graham suốt đời chọn những thể loại mới và thách thức, cuối cùng chuyển qua biên đạo múa thành công (có thể là lưỡng lự) vào tuổi bát tuần; và Gandhi luôn luôn ôm ấp những sự nghiệp không phổ thông và những nhóm gây tranh cãi. 

Cuộc mặc cả kiểu Faust và cuộc đời sáng tạo

Trong những chương trước tôi đã nói đến cuộc mặc cả kiểu Faust mà mỗi nhà sáng tạo gặp phải. Truyền thuyết Faust chỉ là ví dụ nổi tiếng nhất của một niềm tin rộng rãi rằng các cá nhân sáng tạo là đặc biệt bởi thiên bẩm của họ, và bởi họ phải trả một kiểu giá hay phải chịu một kiểu thỏa thuận để giữ được thiên bẩm này. Tất nhiên, theo một nghĩa tầm thường thì mệnh đề này phải là đúng: ta không thể vẫn là một nhà văn hay diễn viên có trình độ chuyên môn cao trừ khi đều đặn thực hành nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, theo nghĩa kịch tính hơn, tuyên bố này có vẻ là tưởng tượng: sau hết, vì sao chúng ta nên nghĩ một nhà sáng tạo cần phải truyền thông, hay âm mưu gì đó với một vị thần hay một quỷ sứ của riêng mình? 

Tôi đã hoàn toàn bất ngờ khi phát hiện các nhà sáng tạo, nhằm duy trì được các thiên bẩm của mình, đã có những hành vi hay thực hành mang bản chất mê tín, phi lí hay khiên cưỡng về căn bản. Thường thì nhà sáng tạo hi sinh những mối quan hệ bình thường trong địa phận cá nhân, như một biện pháp để có thể tiếp tục làm việc

 Quan hệ bạn bè

Không ai trong những cá nhân này có nhu cầu đặc biệt về những bạn bè mà họ có thể coi như ngang vai. Thường là họ sử dụng những người khác để thăng tiến công việc chuyên môn của mình, họ tỏ ra hấp dẫn, quyến rũ, và ít ra là trung thành một cách hời hợt, trong khi bỏ rơi những người bạn cùng đẳng cấp này một cách êm ả hay đột ngột khi sự hữu dụng được xét là chấm dứt. Sự tàn sát xung quanh một nhà sáng tạo lớn không phải là một cảnh tượng đẹp đẽ, và sự huỷ hoại này xảy ra khi cá nhân dấn thân vào một cuộc theo đuổi đơn độc hay có vẻ như đang làm việc cho sự tốt đẹp hơn của nhân loại.

YẾU TỐ “KHÔNG ĐỒNG BỘ”

Điều dường như mang tính xác định trong cá nhân sáng tạo là năng lực khai thác, hay hưởng lợi từ một sự không tương thích hay thiếu sự nối kết trơn tru biểu kiến bên trong tam giác sáng tạo. Từ một quan điểm phân tích, có sáu địa hạt không đồng bộ có thể có: bên trong cá nhân, bên trong lĩnh vực, bên trong trường; giữa cá nhân với lĩnh vực; giữa cá nhân với trường; và giữa lĩnh vực với trường. (64 kiểu). Những cá nhân tránh được bất kì kiểu không đồng bộ nào rất có thể là các thần đồng hay chuyên gia, nhưng họ không dễ trở thành người sáng tạo; những người trải nghiệm sự không đồng bộ về mọi điểm có thể bị áp đảo. Tôi đã giả thiết rằng một cá nhân sẽ được phán xét là sáng tạo kể cả khi người ấy thể hiện nhiều sự không đồng bộ mà vẫn chịu được sự căng thẳng đồng phát.

Theo định nghĩa, thì phần lớn cá nhân không ở bên lề trong cộng đồng của mình; vậy thì, nếu các cá nhân bên lề chiếm tỉ lệ lớn hơn trong hàng ngũ sáng tạo, ta sẽ có bằng chứng rằng những sự không đồng bộ có thể thực sự được liên kết với kết quả sáng tạo theo một cách có thể xác minh bằng thống kê. Nhưng dường như các cá nhân sáng tạo, một khi đã cảm thấy mọi đau khổ và sướng vui của sự không đồng bộ, thường tiếp tục đi tìm sự không đồng bộ, ngay cả khi nhiều cá nhân khác “đi trốn tự do” và lao vào sự thoải mái của vị thế đa số. 

Tôi giữ vững ý kiến rằng mỗi cá nhân của chúng ta nổi bật ở mức độ họ đi tìm những điều kiện không đồng bộ, nhận được một kiểu trải nghiệm kích động và trào dâng khi đứng “ở mép bờ”, và cuối cùng thấy khó để hiểu vì sao ai cũng không mong muốn trải nghiệm các thành quả của sự không đồng bộ.

QUI LUẬT 10 NĂM

Như đã được ghi nhận rõ trong những nghiên cứu về tâm lí học nhận thức, mất khoảng mười năm cho một cá nhân bước đầu làm chủ một lĩnh vực

Điều xảy ra sau cuộc đột phá thứ hai là sự suy tư về bản chất của lĩnh vực hơn là những kĩ năng và khát vọng của nhà sáng tạo. Nếu lĩnh vực mở ra rộng rãi, được vạch đường nét mới, và có may mắn là tương đối ít bị cạnh tranh, thì nhà sáng tạo vẫn giữ được cơ hội tiếp tục cách tân lâu chừng nào mình còn hoạt động tích cực

Sau thập niên thứ hai, một kiểu cơ hội khác nổi lên. Cá nhân có thể bắt đầu nhìn lại lĩnh vực thích hợp theo một cách lịch sử hay phản tư… Khi có một vai trò được kính trọng trong lĩnh vực, như phê bình văn học chẳng hạn, họ có thể tiếp tục mạch phản tư này mãi mãi. Tuy nhiên, trong khoa học, những người trở thành các triết gia về khoa học được coi như đã rời bỏ lĩnh vực của mình; do đó, trong những thập niên cuối đời, Einstein không được coi là trung tâm của những cuộc thảo luận theo đuổi bởi những nhà khoa học cách tân nhất.