ANITA. E. WOOLFOLK
Bản dịch của TLHGD
TÁM GIAI ĐOẠN KHỦNG HOẢNG CỦA ĐỜI NGƯỜI (tiếp theo)
TUỔI THIẾU NIÊN: ĐI TÌM CĂN TÍNH (BẢN SẮC) (IDENTITY)
Vấn đề trung tâm của các thiếu niên là sự phát triển một căn tính (bản sắc) làm cơ sở vững vàng cho thời trưởng thành. Tất nhiên cá nhân đã phát triển một cảm thức về cái tự thân (self) ngay từ tuổi thơ. Nhưng tuổi thiếu niên dánh dấu lần đầu tiên có một nỗ lực có ý thức để trả lời câu hỏi giờ đây hối thúc. Tôi là ai? Xung đột xác định giai đoạn này là căn tính vs sự bối rối về vai trò.
Erikson ghi chú rằng giải pháp lành mạnh cho những xung đột trước đó có thể dùng làm nền tảng cho việc đi tìm căn tính vào lúc này. Một cảm thức tin tưởng cơ bản, nếu được thiết lập, đã chuẩn bị cho người thiếu niên tìm được những con người, những ý tưởng để tin cậy. Một cảm thức tự trị vững vàng khiến cho người thiếu niên dũng cảm nhất quyết với cơ may quyết định một cách tự do về nghề nghiệp và lối sống của mình. Sáng kiến thúc đẩy em đóng vai luật gia hay hoạ sĩ có thể giúp người thiếu niên đi đến chỗ nhận một vai trò của người lớn trong thực tế. Và từ một cảm thức mạnh mẽ về sự ham làm việc có thể nảy nở thành cảm thức về năng lực, sự tin tưởng vào năng lực đóng góp có ý nghĩa của mình cho xã hội.
Căn tính (bản sắc): Trở thành chính mình
Căn tính (bản sắc) chính xác nghĩa là gì, và khủng hoảng ở giai đoạn thiếu niên liên quan đến cái gì? Căn tính (bản sắc) là nói đến việc tổ chức của các khuynh hướng, năng lực, niềm tin và lịch sử của cá nhân thành một hình ảnh nhất quán của bản thể. Nó liên quan đến những lựa chọn và quyết định dứt khoát, đặc biệt là thiên hướng, hướng đi về tính dục, và một “triết lý sống” (Marcia, 1982). Nếu người thiếu niên không tích hợp được những khía cạnh và lựa chọn ấy, hay nếu như họ cảm thấy không có năng lực lựa chọn gì cả, thì có thể có sự bối rối về vai trò.
Phát triển công trình của Erikson, James Marcia và đồng nghiệp đã gợi ý rằng có 4 lựa chọn cho các thiếu niên khi đối mặt với chính mình và các lựa chọn. Đầu tiên là Tự thành đạtcăn tính (identity achievement). Có nghĩa là sau khi xem xét mọi khả năng hiện thực, cá nhân đã có sự chọn lựa và theo đuổi chúng. Có vẻ như ít học sinh đạt được vị thế ấy khi tốt nghiệp trung học. Phần lớn không chắc chắn về lựa chọn của mình trong nhiều năm sau. Bắt chướccăn tính(Identity foreclosure)mô tả tình huống người thiếu niên không có trải nghiệm nhiều căn tính khác nhau hay có xem xét một loạt lựa chọn nhưng chỉ đơn giản tự mình theo đuổi những mục tiêu, giá trị và lối sống của cha mẹ hay của những gương mặt uy quyền nổi bật. Mặt khác, Khuyếch táncăn tính (Identity diffusion) xảy ra khi cá nhân không kết luận được mình là ai hay muốn gì với đời mình; họ không có hướng đi vững chắc. Các thiếu niên trải nghiệm sự khuyếch tán căn tính có thể đã vật vã để lựa chọn nhưng không thành, hay có thể đã tránh suy nghĩ nghiêm túc về các vấn đề. Cuối cùng, thiếu niên trong lúc vật vã lựa chọn, có thể trải nghiệm việc đình hoãn (moratorium). Marcia dùng thuật từ moratorium liên quan đến việc đối phó một cách chủ động cuộc khủng hoảng về hình thành căn tính. Còn theo Erikson, thuật từ này nói về việc hoãn lại sự theo đuổi các lựa chọn cá nhân và nghề nghiệp. Sự hoãn lại này rất thông thường, và có thể là lành mạnh đối với các thiếu niên hiện đại.
NGOÀI TUỔI ĐI HỌC: TÌNH THÂN, TÍNH TRUYỀN THỪA VÀ SỰ CHU TOÀN
Các khủng hoảng trong những giai đoạn trưởng thành mà Erikson nêu ra đều liên quan đến phẩm chất của các mối quan hệ giữa người với người.
Giai đoạn đầu tiên là tình thân vs cô lập. Tình thân (intimacy) theo nghĩa là ý nguyện quan hệ với người khác một cách sâu sắc, có mối quan hệ dựa trên những gì nhiều hơn là nhu cầu có đi có lại (tương hỗ). Nghĩa là cho đi, chia sẻ mà không đòi nhận trở lại. Những ai không đạt tới một cảm thức đủ mạnh về căn tính, có khuynh hướng sợ bị người khác lấn át hay nuốt chửng, và có thể rút vào sự cô lập. Quan hệ tính dục không nhất thiết đồng nghĩa với tình thân. Người ta có thể thân mật về tính dục mà không thiết lập được sự cam kết cá nhân cần có cho tình thân thực sự. Tuy nhiên, trong phạm vi quan hệ tình thân, sự thoả mãn tương hỗ về tính dục sẽ tăng tiến sự gần gũi của những người liên đới.
Khủng hoảng ở giai đoạn tiếp theo là tính truyền thừa vs trì đọng. Tính truyền thừa (generativity) mở rộng năng lực chăm lo cho người khác và liên quan đến sự chăm sóc, hướng dẫn thế hệ sau. Trong khi tính truyền thừa thường là nói đến việc có con và nuôi dạy con, nó cũng có nghĩa rộng hơn. Tính năng sản và tính sáng tạo là những đặc điểm thiết yếu. Erikson đã so sánh tính truyền thừa theo nghĩa rộng với nguyên lý Hindu về sự duy trì thế giới. Có một thời gian trong chu trình sống khi cái chết hiện ra chắc chắn chứ không là xa xôi cuối đời. Con người ở thời gian ấy tốt nhất là gác ra bên cạnh những suy nghĩ về cái chết “và cân bằng sự chắc chắn về cái chết với hạnh phúc duy nhất còn lại lâu dài: bằng cách cho đi những gì mình có để tăng tiến thiện chí và cấp độ trong khu vực của mình trên thế giới” (Erikson, 1974, tr.124).
Cái nhìn rộng về tính truyền thừa như thế có thể không chỉ tác động đến cái nhìn bản thân như một người thầy tiềm năng, mà còn có thể gợi ra những vấn đề để nói với lớp học, đặc biệt là ở cấp trung học cơ sở. nhiều học sinh cũng quan tâm đến chẳng hạn như tương lai của môi trường sống và những vấn đề xã hội chính trị khác (bản gốc đề cập những vấn đề của nước Mỹ: thực hiện đầy đủ giấc mơ Mỹ và quyền bình đẳng cho mọi công dân). Kiểu thế giới nào chúng ta muốn để lại cho thế hệ sau, và ta có thể làm gì để tạo nên thế giới ấy? Những vấn đề này có thể cung cấp đề tài thảo luận quan trọng, mở rộng khung khổ tham khảo của học sinh, và giúp họ đánh giá tác động của những quyết định hôm nay đối với phẩm chất sống ngày mai. Xử sự với những vấn đề như thế cũng có thể chuẩn bị cho các em đối phó với những thách thức để tránh sự trì đọng về cuối đời.
Giai đoạn cuối cùng của Erikson là toàn vẹn vs thất vọng (integrity vs despair) và liên quan đến việc thoả thuận với cái chết. Đạt được sựtoànvẹn(Erikson gọi là “sự toàn vẹn của cái tôi” “ Ego integrity”) có nghĩa là củng cố nhận thức của mình về cái tự thân (the self) và hoàn toàn chấp nhận nó, chấp nhận lịch sử độc nhất và giờ đây không thể thay đổi của nó, vị trí đầy trách nhiệm của nó trong văn hoá riêng biệt của mình. Những ai không có năng lực đạt đến một cảm thức chu toàn và hoàn chỉnh, sẽ rơi vào thất vọng và sợ chết.
[bình luận của ND: sự thất vọng này là do “cái siêu tôi” (ý thức xã hội) luôn soi mói, trách cứ “cái tôi” không “chu toàn” (fulfillment: hoàn tất, thực hiện đầy đủ trách nhiệm), không “hoàn chỉnh” (complete)]