271. Conceptually driven process: (Sự) xử lý theo dẫn dắt của khái niệm

Một hoạt động tâm trí tập chú trước hết vào những khía cạnh có nghĩa của một kích thích, đối lập với những khía cạnh tri giác của nó. Đó là tiến trình xử lý từ trên xuống (top-down processing) trong đó việc xử lý đầu vào cảm nhận được dẫn dắt bởi khái niệm đã có được từ kinh nghiệm học. So sánh với “data-driven process” (xử lý theo dẫn dắt của dữ kiện).

272. Concrete attitude: Thái độ cụ thể

Một phong cách nhận thức hướng về các đối tượng chuyên biệt và các kích thích tức thời. Một người thể hiện một thái độ cụ thể thì có xu hướng không thực hiện những so sánh trừu tượng và sẽ không thường đáp lại những phẩm chất, khái niệm hay phạm trù trừu tượng. So sánh với “abstract attitude” (thái độ trừu tượng).

273. Concrete operational stage: Giai đoạn thao tác cụ thể

(trong lý thuyết của Jean Piaget): Giai đoạn thứ 3 của sự phát triển nhận thức, diễn ra từ 7-11 tuổi, trong đó trẻ có thể phi trung tâm (decentration) hoá tri nhận của mình, bớt qui ngã (egocentric), và có thể suy nghĩ một cách logic về các đối tượng cụ thể và về các tình thế hay trải nghiệm chuyên biệt dính với những đối tượng ấy. 

274. Concretism: Tâm thức cụ thể

– (trong TLH Phân tích của Carl Jung): Một kiểu tư duy hay cảm thức phụ thuộc vào cảm giác vật chật tức thời và thể hiện sự thiếu hoặc không có năng lực trừu tượng. Trong một số xã hội truyền thống, tư duy này có thể biểu hiện trong niềm tin vào vật bùa và ma thuật. Trong thế giới hiện đại, nó có thể biểu hiện như sự thiếu năng lực suy nghĩ vượt lên những thực kiện vật chất hiển nhiên của một tình huống. 

– (trong lý thuyết của Jean Piaget): Tâm thức của trẻ ở giai đoạn thao tác cụ thể.      

275. Confirmation bias: Thiên kiến xác nhận

Khuynh hướng đo nghiệm niềm tin hay phỏng đoán của bản thân bằng cách đi tìm bằng cứ có thể xác nhận hay chứng thực nó và bỏ qua bằng cứ có thể không xác nhận hay bác bỏ nó. Thiên kiến này giúp duy trì các định kiến và khuôn mẫu có sẵn. 

276. Conjunction fallacy: Nguỵ tín về tiếp hợp

Một phán đoán sai lầm phổ biến theo đó sự kết hợp hai hay nhiều thuộc tính được xem là khả thể hoặc dễ tin hơn là một thuộc tính do chính nó. Được nhận dạng và đặt tên vào năm 1982 bởi các nhà TLH người Mỹ gốc Israel Amos Tversky (1937-96) và Daniel Kahneman (1934-), các ông trình bày với sinh viên những phác hoạ nhân cách của một người giả định tên là Linda (trẻ, độc thân, quan tâm sâu đến những vấn đề xã hội và tham dự hoạt động chống hạt nhân) và hỏi họ liệu điều nào sau đây khả thể hơn: (a) Linda là thu ngân viên ngân hàng (b) Linda là thu ngân viên ngân hàng hoạt động trong phong trào nữ quyền. 86% sinh viên cho rằng (b) khả thể hơn (a). Đó là một nguỵ tín, vì một nguyên tắc sơ đẳng về lý thuyết khả thể là: tính khả thể của sự tiếp hợp (a) với (b) không bao giờ loại trừ tính khả thể của a hay của b. Nguỵ tín này xuất hiện từ việc sử dụng phép nghiệm suy biểu trưng, vì Linda dường như điển hình cho một thu ngân viên nữ quyền hơn là một thu ngân viên thuần tuý.

277. Connectionism: Thuyết kết nối

Một cách tiếp cận với trí khôn nhân tạo bao hàm việc thiết kế những hệ thống thông minh gồm những mạng lưới thần kinh trong đó các khoản mục kiến thức được biểu trưng không phải bằng những vị trí hay đơn vị đơn nhất mà bằng những mẫu kích hoạt các bộ sưu tập các đơn vị, những mẫu này được thích nghi tối đa để có khả năng học từ trải nghiệm. Lần đầu được đưa vào một bài viết năm 1948 trong tạp chí “Intelligent Machinery – Cỗ máy thông minh” của nhà toán học người Anh Alan Mathison Turing (1912-54), nhưng chỉ nổi tiếng sau khi xuất hiện vào năm 1981 một hình mẫu về kết nối của trí nhớ nhân tạo của nhà khoa học nhận thức người Mỹ James Lloyd Mclelland (1948-). Bài viết của Turing có phần đã được nói đến trước vào năm 1943 bởi nhà thần kinh tâm lý học người Mỹ Warren Sturgis McCulloch (1898-1986) và nhà logic học người Mỹ Walter Pitts (1923-69), nhưng phiên bản này thiếu hẳn khả năng học. Cũng gọi là paralell distributed processing – xử lý phân phối song song.

278. Connotation: Hàm ý, ý liên tưởng 

Sự liên tưởng được gợi ý hoặc bao hàm bởi một từ hay ngữ. Ví dụ: từ mẹ có những hàm ý là mái nhà, gia đình, tình mẫu tử… những ý nghĩa này nên được phân biệt với nghĩa của từ. 

279. Conscientiousness: Tính tận tâm

Một trong Năm nhân tố lớn của nhân cách, có đặc trưng là tính tổ chức, thấu đáo, khả tín và thực hành, và tương đối không có sự bất cẩn, trễ nải và bất khả tín. Cũng gọi là dependability (tính có thể phụ thuộc vào).

280. Conservation: (sự) Bảo toàn

Một thuật từ được nhà TLH Thuỵ Sĩ Jean Piaget (1896-1980) đưa vào để chỉ sự hiểu rằng số lượng vật chất không bị tác động bởi một số biến đổi làm thay đổi vẻ ngoài của nó. Conservation of number (bảo toàn con số) là sự không đổi của con số các vật thể khi sự sắp xếp về không gian thay đổi, conservation of substance (bảo toàn chất liệu)là sự không đổi của một dung dịch khi đổ qua vật chứa có hình dạng khác, vàconservation of mass (bảo toàn khối lượng) và conversation of volume (bảo toàn dung tích) là sự không đổi về khối lượng và dung tích của một miếng nhựa, cục bột nặn hay vật liệu tương tự khi được đúc vào một khuôn có hình dạng khác. Các kiểu bảo toàn khác nhau thường xuất hiện ở những giai đoạn phát triển khác nhau của đứa trẻ, đầu tiên là con số và chất liệu, rồi đến khối lượng, rồi dung tích; bảo toàn con số và chất liệu xuất hiện một cách điển hình ở tuổi 7-8. Việc không nắm được sự bảo toàn con số ở một đứa bé ở giai đoạn tiền thao tác có thể được chứng minh như sau: xếp một dãy cốc đựng trứng, mỗi cốc đựng 1 quả trứng, yêu cầu trẻ xác nhận con số cốc ngang bằng với con số trứng, rồi lấy số trứng ra xếp lại xít nhau thành dãy ngắn hơn dãy cốc, và hỏi trẻ số trứng có nhiều hơn số cốc, hay số cốc nhiều hơn, hay hai con số như nhau? Đứa trẻ chưa nắm được sự bảo toàn con số thường tin rằng có nhiều trứng hơn, vì dãy trứng dài hơn. Những biến thể của thí nghiệm này lần đầu được mô tả bởi Jean Piaget năm 1941 trong sách La genèse du nombre chez l’enfant (Sự phát sinh con số ở trẻ).