2000 THUẬT NGỮ TLH (KỲ 12)

121. Aptitude: Khả năng 

Sự thích hợp, năng lực tự nhiên hay năng lực học; đặc biệt (trong tâm lí học): tiềm năng [hơn là năng lực hiện hữu] để thực hiện một nhiệm vụ hay chức năng về thể chất hay tâm trí, hoặc sự kết hợp giữa hai thứ (nếu được học hành hay huấn luyện). 

Khác với ability(năng lực): kĩ năng đã phát triển, năng lực hay sức mạnh để làm một việc; đặc biệt (trong tâm lí học): năng lực hiện hữu để thực hiện một nhiệm vụ, chức năng… mà không cần có thêm sự học hành hay huấn luyện.

122. Archetype: Điển mẫu/ Cổ mẫu

– Một ví dụ hoàn hảo hay tiêu biểu của loại hạng (điển mẫu). Tên gọi khác của prototype (thường được dịch là “nguyên mẫu”).

– (Trong TLH phân tích): Cổ mẫu: Cấu trúc hay mẫu tâm trí được di truyền, làm thành bộ phận của vô thức tập thể, chỉ quan sát được thông qua các biểu hiện ở hành vi, đặc biệt những cấu trúc liên kết với những kinh nghiệm cổ xưa và phổ quát như sinh nở, cưới xin, tình trạng làm mẹ, và cái chết. Carl Gustav Jung (1875-1961) đưa thuật ngữ này vào từ vựng kĩ thuật của ông vào năm 1919. 

123. Arousal phase: Giai đoạn hứng tình

Giai đoạn thứ hai trong chu trình phản ứng tính dục, khi sự kích thích tính dục phát triển.

124. Artificial intelligence: Trí khôn (Trí tuệ) nhân tạo

Bản thiết kế các chương trình máy tính giả định hay có thực hoặc những máy móc để làm những việc thông thường vẫn do trí óc con người làm: suy nghĩ logic, làm thơ, soạn nhạc, hay phân tích các hoá chất. Những vấn đề thách thức nhất nằm ở toan tính bắt chước các chức năng của trí khôn vốn phần lớn có tính vô thức, như những thứ liên quan đến thị ảnh và ngôn ngữ. Thuật ngữ được kĩ sư máy tính người Mỹ John McCarthy(1927-2011) đưa vào năm 1956. 

125. Art therapy: Nghệ thuật liệu pháp

Một hình thức tâm lí liệu pháp trong đó người bệnh được khuyến khích diễn đạt những cảm xúc, tình cảm và những xung đột nội tâm của mình thông qua nghệ thuật. 

126. Askable parent: Cha mẹ dễ hỏi

Cha hay mẹ sẵn sàng trả lời những câu hỏi về tính dục của con cái. Thuật ngữ xuất hiện lần đầu trong một bài báo của nhà báo Eleanor Charles (1923-2012) trên tờ New York Times vào ngày 11/1/1981.

127. Aspiration: Khát vọng

Hi vọng, ham muốn hay tham vọng đạt được một mục đích cụ thể. Từ đó, aspirational levelhay level of aspirationlà mục đích, mục tiêu mà một người đặt ra cho mình phải đạt được trong tương lai.

128. A-S Reaction Study: Nghiên cứu phản ứng A-S

Một phát kiến nhằm đo đạc uy lực (Ascendance) đối nghịch với sự phục tùng (Submissiveness) trong các mối quan hệ xã hội hằng ngày. Xây dựng bởi các nhà TLH Mỹ Gordon Williard Allport (1897-1967) và Floyd Henry Allport (1890-1978) và xuất bản trong sách “The A-S Reaction Study” (1928). 

129. Assertiveness training: Sự huấn luyện thái độ khẳng định

Một hình thức tư vấn hay tâm lí liệu pháp được phát triển vào năm 1949 bởi nhà TLH Mỹ Adrew Salter (1914-96) trong đó mọi người học cách diễn đạt các nhu cầu, mong muốn và tình cảm của mình một cách thẳng thắn, thành thật và trực tiếp, theo một cách sao cho những người khác phải lưu tâm. Cũng gọi là assertion training.

130. Assimilation: 

      – Sự đồng hoá

(Trong các bài viết của nhà TLH Thuỵ Sĩ Jean Piaget và các môn đệ của ông): một hình thức thích nghi trong đó một trải nghiệm mới được tích hợp vào các cấu trúc hay tiến trình TLH đang hiện hữu, như khi một em bé phản ứng với một món đồ chơi mới được đưa vào môi trường của bé:  coi nó như một vật quen thuộc, diễn giải nó trên cơ sở trải nghiệm đã qua (như một thứ để nắm, lắc, đưa vào miệng, v.v.)

  • Sự bóp méo một kí ức thông qua việc làm cho nó tương tự những kí ức đã hiện hữu, một hiện tượng cũng xảy ra trong việc sao chép hàng loạt và đồn thổi tin tức [tam sao thất bản] . 
  • Xu hướng tri giác các vật thể hay hình ảnh dựa vào những đặc trưng tri giác của các vật thể và hình ảnh liền kề.