871. Intrinsic motivation: Động lực nội tại

Động cơ thúc đẩy người ta dấn thân vào một hoạt động chuyên biệt, xuất phát từ bản thân hoạt động ấy (như hứng thú học một môn học nào đó của một học sinh) hơn là vì những lợi lộc bên ngoài có thể có được (như bằng cấp). Khác với Extrinsic reward (Phần thưởng từ bên ngoài).

872. Introjection: (sự) Tiếp nhập

– Một diễn trình trong đó cá nhân sáp nhập một cách vô thức các khía cạnh của thực tại ở bên ngoài vào trong cái tự thân, đặc biệt là những thái độ, giá trị và phẩm tính của một người khác hay một phần nhân cách của một người khác. Sự tiếp nhập có thể xảy ra chẳng hạn như trong diễn trình thương khóc một người thân yêu. 

– Trong thuyết phân tâm, là diễn trình nội tâm hoá các tính chất của một Vật bên ngoài(External Object) dưới hình thức một Vật nội tâm (Internal Object) hay một Biểu trưng tâm trí (Mental Representation) có ảnh hưởng đến hành vi. Diễn trình này được coi là một phần thông thường của sự phát triển, như khi sự tiếp nhập các giá trị và thái độ của cha mẹ hình thành Cái Siêu ngã (Superego), nhưng cũng có thể được sử dụng như một Cơ chế phòng vệ (Defense Mechanism)trong các tình huống gây nên nỗi lo âu. Khác với Identification (Đồng nhất hoá), Incorporation (Nội nhập).

873. Introjective personality: Nhân cách tiếp nhập

Theo một số thuyết phân tâm học, là một đường lối phát triển nhân cách tập trung chú ý vào thành tựu và sự đánh giá, và – nếu nhân cách không phát triển được một cách đúng đắn –  có thể sẽ đi đến những cảm thức về sự vô giá trị, thất bại, và tự phê phán một cách tâm bệnh. 

874. Introspectionism: thuyết nội quan

Học thuyết chủ trương phương pháp điều tra tâm lí cơ bản là hoặc nên là nội quan. Trong lịch sử, một cách tiếp cận như thế liên kết với trường phái Cấu trúc luận tâm lí (Psycholigical Structuralism).

875. Introversion-extraversion: (sự) Hướng nội-hướng ngoại

Tầm mức tự định hướng từ chỗ hướng nội, đặc trưng là những mối quan tâm và hành vi hướng nội và do bản thân điều khiển, đến hướng ngoại, đặc trưng là những mối quan tâm và hành vi hướng ngoại và do xã hội điều khiển. Khái niệm bắt nguồn từ Carl Jung nhằm nghiên cứu các kiểu nhân cách.

876. Intrusive thoughts: (các) Ý nghĩ xâm nhập

Những sự cố ngắt dòng suy nghĩ liên quan đến nhiệm vụ đang tiến hành, bất chấp những cố gắng để tránh khỏi chúng. Là một phương diện phổ biến của những rối loạn như stress hậu sang chấn (post-traumatism stress)và rối loạn bị ám ảnh-ép buộc (obsession-compulsive disorder).Cũng gọi là TUITs (task-unrelated images and thoughts- Các hình ảnh và ý nghĩ không liên quan đến nhiệm vụ)

877. Intuitionism: Thuyết/ Xu hướng trực giác

– Niềm tin rằng kiến thức có được đầu tiên là nhờ trực giác.

– Xu hướng của những người ưa suy nghĩ, lí luận và nhớ bằng cách xử lí những biểu trưng không chính xác trong trí nhớ hơn là làm việc một cách logic hay từ những biểu trưng chính xác. Đề xướng bởi các nhà TLH Mĩ Charles Brainerd (1944-) và Valerie Reyna (1955-).

878. Intuitive stage: Giai đoạn trực giác

Trong thuyết phát triển nhận thức của Jean Piaget, là thời kì nằm trong Giai đoạn Tiền thao tác (Preoccupational Stage), từ khoảng 4 đến 7 tuổi, trong đó trẻ có thể suy nghĩ theo các loại hạng và làm việc với những khái niệm về số, mặc dù tư duy bị thống trị bởi tri giác. 

879. Intuitive type: Kiểu trực giác

Trong Tâm lí học phân tích của Carl Jung, là kiểu chức năng có đặc trưng là năng lực thích nghi “bằng những chỉ dẫn vô thức” và “một tri giác tinh tế và sắc bén và sự diễn giải những kích thích hơi có ý thức”. Kiểu trực giác là một trong hai Kiểu Phi lí tính (Irrational Types)của Jung, kiểu kia là Kiểu Cảm giác (Sensation Type).Tham khảo:Feeling Type (Kiểu Cảm tính), Thinking Type (Kiểu Tư duy). 

880. Inventory test: Đo nghiệm theo danh mục

– Trong việc đánh giá giáo dục, là một kiểu đo nghiệm thành tích chứa đựng những câu hỏi về những địa hạt kiến thức quan trọng nhằm có được cái nhìn tổng quát hay phác hoạ thành tích của cá nhân.

– Trong việc nghiên cứu nhân cách, là một đo nghiệm nhằm cung cấp cái nhìn rộng về các mẫu nhân cách trong những địa hạt khác nhau.