831. Infinite regression (danh): Sự truy hồi bất tận

Một tuyến lập luận trong đó bản thân lời giải thích cho điều gì đó lại đòi hỏi một lời giải thích tương tự, và cứ thế cho đến bất tận. Ví dụ: muốn giải thích khái niệm Ý THỨC vốn giả định sự tồn tại của một HOMUNCULUS (Người nhỏ xíu) bên trong tâm trí đang quan sát trải nghiệm có ý thức, điều ấy lại đòi hỏi có một homunculus khác quan sát tâm trí của homunculus thứ nhất, v.v. 

832. Informational influence (danh): Ảnh hưởng thông tin

– Các diễn trình liên cá nhân thách thức sự đúng đắn của niềm tin cá nhân hay sự thích đáng của hành vi cá nhân, từ đó cổ vũ sự thay đổi. Ảnh hưởng như thế có thể xảy ra một cách trực tiếp, như kết quả của truyền thông và thuyết phục, hay gián tiếp, thông qua việc cho cá nhân đối mặt với thông tin và so sánh bản thân với người khác. Cũng gọi là informational social influence (ảnh hưởng xã hội về thông tin)

– Mức độ các phán đoán và ý kiến của một người về một tình huống không rõ ràng, được những người khác chấp nhận là đúng, nghĩa là phản ánh thực tế của tình huống ấy. 

833. Information-error technique (danh): Kĩ thuật đo sai lầm thông tin

Một phương pháp gián tiếp đo thái độ gồm một loạt câu hỏi có nhiều lựa chọn về hiểu biết khách quan đối với một đối tượng của sự bày tỏ thái độ. Các câu hỏi được cấu tạo để người được hỏi không dễ biết đáp án đúng, nhưng cho những lựa chọn đáp án gồm các đánh giá tích cực hoặc tiêu cực đối với đối tượng. Chẳng hạn, đo thái độ đối với hình phạt tử hình bao gồm những câu hỏi về con số phần trăm người bị kết án tử hình sai và con số phần trăm sai biệt giữa số trọng tội ở những bang (Hoa Kì) có và không có án tử hình. Qui trình dựa trên giả định rằng người được hỏi sẽ sử dụng thái độ của mình làm cơ sở đoán định, nghĩa là, họ sẽ có xu hướng chọn những đáp án ủng hộ thái độ của mình. Các thái độ được đánh giá bằng cách tính toán con số đáp án tích cực được chọn so với con số đáp án tiêu cực được chọn. 

834. Informed consent (danh): Sự đồng ý có hiểu biết

Sự đồng ý tự nguyện tham gia một nghiên cứu hay qui trình trị liệu trên cơ sở người tham gia hoặc người bệnh hiểu rõ bản chất của nó, những lợi ích và nguy cơ có thể có và các phương án thay thế. Được trợ giúp bởi các quyết định của toà án, nguyên lí của sự đồng ý có hiểu biết cung cấp nền tảng cho việc không truy cứu các y lệnh, di huấn của người bệnh, và các đạo luật về cái chết tự nhiên đã được đưa vào luật pháp khắp Hoa Kì.

835. Ingroup bias (danh): Thiên kiến nhóm

Xu hướng ưu ái nhóm của mình, các thành viên, đặc trưng, sản phẩm của nhóm, nhất là khi tham chiếu với các nhóm khác. Sự ưu ái nhóm có xu hướng được phát lộ rõ hơn sự bác bỏ những cái ngoài nhóm, nhưng cả hai xu hướng đều trở nên phát lộ rõ hơn trong những thời kì tiếp xúc liên nhóm. Ở trình độ vùng, văn hoá hay quốc gia, thiên kiến này thường được gọi là ETHNOCENTRISM (tâm thức lấy chủng tộc làm trung tâm). Cũng gọi là ingroup favoritism (Óc ưu ái nhóm). 

836. Initiative structure (danh): Cấu trúc khởi xướng

Một chức năng lãnh đạo hữu hiệu liên quan đến việc tổ chức nhóm làm việc, điển hình là đặt ra các tiêu chuẩn và mục tiêu, nhận diện các vai trò và cắt đặt thành viên vào vai trò, triển khai các qui trình thao tác chuẩn, phê phán công việc kém và xác định mối quan hệ giữa lãnh đạo và thuộc cấp.

837. Initiative versus guil (danh): Sự khởi xướng chọi với tội lỗi

Giai đoạn thứ ba trong Tám Giai đoạn phát triển theo Erik Erikson, xảy ra từ 3 đến 5 tuổi. Trung tâm là cảm thức của trẻ về sự tự do trong hoạch định, tung ra và khởi xướng mọi hình thức huyễn tưởng, trò chơi và các hoạt động khác. Nếu giải pháp trong hai giai đoạn trước không thành công, hay nếu đứa trẻ bị thường hằng phê phán hay hạ nhục, thì tội lỗi và cảm thức bơ vơ lạc lõng sẽ phát triển thay cho tinh thần khởi xướng. 

838. Injunctive norms (danh): (Các) Chuẩn mực huấn thị

Các tiêu chuẩn đồng thuận xã hội được xác định (SOCIAL NORMS) mô tả cách thức người ta nên hành động, cảm nhận và suy nghĩ trong một tình huống nhất định, không phụ thuộc vào cách thức người ta thường đáp ứng trong khung cảnh như thế. Các cá nhân vi phạm những tiêu chuẩn ấy thường bị phán xét một cách tiêu cực. Cũng gọi là prescriptive norms (qui chuẩn). 

839. Inner-directed (tính): Có chủ kiến 

Mô tả hay liên quan đến một cá nhân có động lực tự thân và không dễ bị ảnh hưởng bởi các ý kiến, giá trị hay sức ép của người khác. Được nhà TLH Mĩ David Riesman (1909-2002) đưa vào. 

840. Input-output mechanism (danh): Cơ chế đầu vào-đầu ra

Một mẫu xử lí thông tin đơn giản trong đó một dữ liệu được đưa vào tự động sinh ra một thành quả nhất định. Một cơ chế đầu vào-đầu ra là một hệ thống khép kín trong đó thông tin được xử  lí theo một chuỗi cố định các thao tác đặt định sẵn và không có sự tương tác với môi trường trong suốt diễn trình. Một số lí thuyết hành vi đã bị phê phán là qui giản cơ thể con người thành một cơ chế đầu vào-đầu ra.