811. Indeterminism: Thuyết bất tất định

– Trong TLH, thuyết cho rằng con người có FREE WILL (ý chí tự do) và có năng lực hành động độc lập với những tình huống trước đó hay hiện tại, như trong việc quyết định lựa chọn.

– Trong Triết học, quan điểm cho rằng các sự kiện không có những nguyên nhân cần và đủ. 

812. Indifference point: Điểm vô cảm

Vùng trung gian giữa các cực thí nghiệm. Chẳng hạn, trong chiều kích khoái lạc-đau đớn, đó là độ kích thích gây ra một đáp ứng vô cảm hay trung tính.

813. Indirect associations: (sự) Liên kết gián tiếp

Một triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt, trong đó sự liên kết giữa các ý nghĩ không thể hiện rõ ràng, các lời nói của người bệnh dường như kì lạ và không mạch lạc đối với người khác.

814. Indirect method of therapy: Liệu pháp gián tiếp

Một liệu pháp dẫn dắt, điển hình là CLIENT-CENTERED THERAPY (Liệu pháp tập trung vào người bệnh), trong đó nhà chữa trị không toan tính chỉ đạo sự giao tiếp của người bệnh hay đánh giá các nhận xét của người bệnh, mặc dù có thể nhắc lại hay nói lại những nhận xét ấy.

815. Indirect speech act: Hành động nói gián tiếp

Là hành động nói mà mục đích không có vẻ rõ ràng xét từ hình thức đến nội dung câu nói, nhưng phải được suy ra. Chẳng hạn, quan sát biểu kiến Trong nhà lạnh quá! có thể rất có chủ ý yêu cầu ai đó đóng cửa sổ.

816. Individual education (IE): Giáo dục cá nhân

– Một kế hoạch nhận diện những nhu cầu giáo dục đặc biệt của một học sinh riêng biệt. Được tạo bởi các thầy giáo, các nhà quản trị nhà trường, cha mẹ học sinh và những chuyên gia khác để hình thành các cơ hội bổ túc hay độc nhất với toan tính đáp ứng nhu cầu của học sinh. 

– Một tuyên bố chi tiết về các mục tiêu học tập gia tăng của một học sinh riêng biệt trong một thời kì. Kế hoạch tính đến trình độ năng lực, động cơ, hành vi, và những sự đa dạng trong tâm trạng, nghị lực, và sự chú ý. Cũng gọi là Individualized educational planning (IEP). 

817. Individuation: (sự) Cá nhân hoá

– Trong TLH, là những diễn trình tâm lí và văn hoá xã hội nhờ đó một con người đạt tới vị thế của một con người cá nhân và thể hiện mình như thế trong thế giới.

– Trong thuyết phân tâm của Carl Jung, là sự phát triển từng nấc của một nhân cách thống nhất, tích hợp sẽ kết hợp ngày càng nhiều cái vô thức, cả cá nhân và tập thể, và giải quyết mọi xung đột đang tồn tại, như những xung đột giữa các xu hướng hướng nội và hướng ngoại. Cũng gọi là self-realization (tự thực hiện)

– Một kì phát triển xảy ra giữa tháng thứ 18 và tháng thứ 36, trong đó đứa trẻ trở nên bớt phụ thuộc vào mẹ và bắt đầu thoả mãn những mong muốn của riêng mình và tự lo cho mình. Thuật ngữ được phát biểu bởi nhà tâm thần học Mĩ gốc Hung Margaret Schonberger Mahler (1897-1985).

818. Industrial psychopath: Người rối loạn nhân cách kĩ nghệ

Cá nhân trong một khung cảnh làm việc thể hiện một mẫu hành vi được coi là điển hình của ANTISOCIAL PERSONALITY DISORDER (Rối loạn nhân cách phản xã hội). Những cá nhân như thế hành động mà không quan tâm đến người khác và sử dụng thủ đoạn thao túng để quản trị một cách hữu hiệu cả những người ủng hộ lẫn những người chê bai, thường dẫn đến kết quả là thăng tiến trong nghề nghiệp. Kiểu cá nhân này dễ thành công nhất trong các tổ chức trải qua những thay đổi nhanh chóng. 

 818. Industry versus inferiority: (sự) Siêng năng chống lại tự ti

Giai đoạn thứ tư trong tám giai đoạn phát triển của Erikson, tương ứng với LATENCY STAGE (giai đoạn tiềm ẩn) của Freud từ 6 đến 11 tuổi, trong đó đứa trẻ học cách làm ra sản phẩm và chấp nhận sự đánh giá những cố gắng của mình. Nếu trẻ không được khuyến khích làm việc siêng năng, nguy cơ sẽ là trẻ cảm thấy tự ti hay vô năng. 

819. Infantile sexuality: Tính dục ấu thơ

Trong thuyết phân tâm, là khái niệm PSYCHIC ENERGY OF LIBIDO (năng lượng tâm lí của tính dục năng) tập trung ở những cơ quan trong suốt tuổi thơ tạo ra hứng khoái tính dục. Điều ấy biểu hiện ở việc mút vú mẹ trong ORAL STAGE (giai đoạn miệng) của sự phát triển, bài tiết trong ANAL STAGE (giai đoạn hậu môn), và tự kích thích trong GENITAL STAGE (giai đoạn sinh thực khí) ban đầu. Thuật ngữ và khái niệm, lần đầu được phát biểu bởi Sigmund Freud, tỏ ra hết sức gây tranh cãi ngay từ lúc đầu, và ăn nhập hơn với suy nghĩ sau đó muốn nhấn mạnh bản chất nhục cảm của việc bú mẹ, bài tiết, và khám phá cơ thể trong tuổi ấu thơ, và vai trò của những cảm giác khoái lạc có được như thế trong nguồn gốc và sự phát triển các cảm giác tính dục.  

820. Inferiority complex: Phức cảm tự ti

Một cảm thức căn bản về sự bất cập và bất an, xuất phát từ khiếm khuyết thực hay tưởng tưởng về thể chất hay tâm lí của bản thân, có thể dẫn đến biểu hiện hành vi đi từ sự “co mình” dụt dè bất động cho đến bù trừ thái quá bằng cạnh tranh cực đoan và gây hấn.