721. Hoarding orientation: Định hướng tích cóp

Trong khuyết Freud mới, là thuật ngữ được sử dụng bởi nhà TLH Mỹ gốc Đức Erich Fromm (1900-80) để chỉ kiểu tính cách trong đó an ninh có được do giữ chặt sở hữu của bản thân, việc tiêu pha bị cảm nhận là đe doạ và gây lo âu, và sự hà tiện mở ra cả ở lĩnh vực tình cảm lẫn vật chất.

722. Hot sauce task: Bài tập món xốt cay

Một cách đo tính xâm hấn trong thí nghiệm, phát triển bởi nhà TLH Mỹ Joel D. Leiberman (1967-) và các đồng nghiệp, công bố trong tập san Agressive Behavior (Hành vi xâm hấn) năm 1999. Bài tập được cải trang như một nghiên cứu về việc nếm đồ ăn. Sau khi nếm và xếp hạng một mẫu đồ ăn, người tham dự được yêu cầu chuẩn bị một món xốt dành cho thực khách tưởng tượng vốn là người đã khiêu khích mình. Lượng xốt cay được cho vào món ăn được coi như chỉ số xâm hấn đáp lại sự khiêu khích. 

723. Humanistic psychology: TLH nhân văn.

Một cách tiếp cận TLH trở thành phổ biến vào thập niên 1960, chịu ảnh hưởng của thuyết hiện sinh và hiện tượng luận, nhấn mạnh ý chí tự do, trách nhiệm và việc tự thực hiện của cá nhân.

724. Hypermnesia: Kí ức gia tăng

Sức nhớ gia tăng, thường do ảnh hưởng của thôi miên hay thuốc kích thích nói thật (truth drug, dùng trong điều tra tội phạm). Thuật ngữ cũng được dùng để chỉ một hình thức nhớ lại, như các bức hình hay đoạn văn xuôi được tái hiện cách nhau không xa giữa những đo nghiệm liên tiếp. Chẳng hạn, người xem một video ghi lại cảnh ăn trộm và được đo nghiệm lặp đi lặp lại sau vài giờ hoặc vài ngày để nhớ lại những chi tiết quan trọng, cho thấy sự gia tăng kí ức qua các lần đo nghiệm. Nếu khoảng cách giữa các lần đo nghiệm lên đến một tuần lễ, thì sự nhớ lại có xu hướng suy giảm. 

725. Hyper-reflection: Phản tư cực độ

Ý thức quá mức về hành vi của bản thân, đến mức gây trở ngại cho việc làm tình, tương tác xã hội và những hoạt động khác đòi hỏi kĩ năng. Ý tưởng này có thể bắt nguồn từ kinh Veda của Ấn giáo, theo đó thì người biết không thể được biết đến, người thấy không thể được nhìn thấy; nhưng lần đầu được khảo sát trong TLH lâm sàng bởi nhà tâm thần học người Áo Viktor E. Frankl (1905-97). Nó được chữa trị bằng kĩ thuật giải-phản tư (de-reflection). 

726. Hyperthymnesia: Kí ức cực độ

Người có nét nổi bật này dùng rất nhiều thời gian để nghĩ về các sự kiện quá khứ trong đời mình và có năng lực nhớ lại khác thường. Tình trạng này được nhận dạng lần đầu ở trường hợp một phụ nữ Do Thái 41 tuổi và được tường trình trong một bài viết trên tập san Neurocase năm 2006, được gọi là hyperthymestic syndrome (hội chứng siêu kí ức).

727. Hypnagogic image: Hình ảnh nửa tỉnh nửa mơ

Hình ảnh như trong mơ, thường sống động và giống như ảo ảnh, thường đi kèm với bóng đè, trải nghiệm của người trong trạng thái chuyển từ thức sang ngủ.

728. Hypnoid state: Trạng thái giả thôi miên

Trong phân tâm học, là khái niệm được đưa ra bởi thầy thuốc người Áo Joseph Breuer (1842-1925) để chỉ một trạng thái ý thức giống như thôi miên, xảy ra khi một xúc cảm đưa ta vào mơ màng. Thuyết Breuer được khởi đăng trong Standard Edition II của Freud. Sau đó khái niệm bị Freud khước từ trong Standard Edition VII (1901/5).

729. Hypnopompic image: Hình ảnh nửa mơ nửa tỉnh

Hình ảnh như trong giấc mơ, thường sống động và giống như ảo ảnh, đôi khi đi kèm bóng đè, trải nghiệm của người chuyển từ ngủ sang thức dậy. 

730. Hypomanic episode: Giai đoạn hưng cảm nhẹ

Có những triệu chứng tương tự giai đoạn hưng cảm nhưng không nặng đến mức gây ra suy giảm rõ rệt trong vận hành xã hội hay nghề nghiệp hay đến mức phải vào bệnh viện; đặc trưng là lạc quan phi thực tế, tăng động, giảm nhu cầu ngủ và thường tiêu tiền bừa bãi. Cũng gọi là hypomania hay hypomanic disorder