671. Global Deterioration Scale (GDS): Thước đo suy thoái bao quát

Một thước đo gồm 7 điểm dùng để chỉ ra mức nghiêm trọng của chứng Dementia (sa sút trí tuệ) chủ yếu, như bệnh Alzheimer, ở người lớn, dựa trên sự quan sát hành vi của người bệnh. Đi từ tình trạng không suy giảm về nhận thức (1) đến tình trạng suy giảm nhận thức rất nghiêm trọng (7). [phát triển vào năm 1982 bởi thầy thuốc tâm thần Mĩ Barry Reisberg (1947-)

672. Global perception: Tri giác bao quát

Tri giác bao trùm về một đối tượng hay một tình huống tập trung vào toàn thể hơn là các bộ phận.

673. Glove anaesthesia/ anesthesia: (chứng) Mất cảm giác bàn tay 

Vắng mặt cảm giác hay cảm nhận ở bàn tay, địa hạt mất cảm giác chấm dứt đột ngột ở cổ tay, là một triệu chứng về tình trạng tâm trí liên quan đến rối loạn thần kinh không do tổn thất hay khiếm khuyết của hệ thần kinh. Các chứng mất cảm giác bàn chân (shoe anaesthesia) và mất cảm giác bàn chân với cổ chân (stocking anaesthesia) cũng được diễn giải tương tự.

674. Goal-free evaluation: (sự) Đánh giá không vị mục đích

Sự đánh giá một chương trình mà không có hiểu biết đặc biệt về các mục đích được nói lên của chương trình, hay không có các mục tiêu đánh giá, cho nên ít bị vướng vào những tiên kiến hay thiên kiến của người nghiên cứu. Thay vì thế, việc đánh giá toan tính đánh giá những tác động hiện tại của chương trình đối với người được đánh giá, các nhu cầu thực của họ, và, điều quan trọng là những tác động tiêu cực không chủ định của chương trình. Cũng gọi là Value-free evaluation (sự đánh giá không theo giá trị).

675. Golden Rule: Qui tắc Vàng

Nguyên lí tương hỗ (có đi có lại) về đạo đức học. Trong truyền thống Kito giáo, nó thường được diễn đạt là “hãy làm cho người khác điều mà mình muốn họ làm cho mình”, nhưng cũng có nhiều phiên bản tương tự trong các tôn giáo và nhiều hệ đạo đức trên thế giới (như: “kỉ sở bất dục vật thi ư nhân”: điều mình không muốn thì đừng làm cho người). Triết gia Đức Immanuel Kant (1724-1804) đề xuất một nguyên lí tương tự trong Categorical Imperative (Mệnh lệnh tuyệt đối).

676. Goal-gradient hypothesis: Giả thuyết cận đích

Cho rằng xu hướng của một người hay động vật tiến đến một mục tiêu tăng lên theo độ gần mục tiêu. Giả thuyết được đề xuất đầu tiên bởi nhà TLH Mĩ Clark Leonard Hull (1884-1952) trong bài viết nhan đề “Gỉa thuyết Cận đích và việc Học tìm mục tiêu trong mê cung” (The Goal-Gradient Psychothesis and Maze Learning) trên Tạp chí TLH (Psychological Review) năm 1932. Chứng cứ thực nghiệm sau đó được tường thuật trong Tập san TLH so sánh (Journal of Comparative Psychology) năm 1943 cho thấy những con chuột bị đói trong một mê cung có xu hướng chạy nhanh hơn khi đến gần đích là cái hộp đựng thức ăn, và cũng có chứng cứ về hành vi của người. 

677. God-image: Hình ảnh Thượng đế

Trong TLH phân tích, là hình ảnh của Thượng đế hiện ra trong giấc mơ hay cơn phóng tưởng, là sự biểu tượng hoá cái bản ngã. Carl Gustav Jung (1875-1961) mượn thuật ngữ này từ thần học Kitô giáo Trung cổ, trong đó imago Deiđược tin là đã hằn sâu vào hồn con người.

678. Good breast: Hảo nhũ

Trong Phân tâm học, là khái niệm được giới thiệu bởi nhà TLH Anh gốc Áo Melanie Klein (1882-1960) để chỉ một phương diện của vú mẹ như vật là một phần của những phóng tưởng trẻ thơ sau khi phân nó ra thành hảo nhũ (good breast) và bất hảo nhũ (bad breast), đó là cơ chế phòng vệ chống lại tính nước đôi và mối lo âu sinh ra từ tính nước đôi ấy. Sự hài lòng của kẻ đói có xu hướng sinh ra một hình ảnh của hảo nhũ và sự cai sữa sinh ra bất hảo nhũ thông qua một vòng luẩn quẩn bao gồm sự phóng chiếu trong đó đứa trẻ đi đến chỗ tin rằng vú mẹ bị cai là do bị ghét bỏ. Trong thuyết Kĩ thuật phòng vệ của nhà phân tâm học Scotland W. Ronald D. Fairbairn (1898-1964), sự khu trú hảo nhũ và bất hảo nhũ xác định kĩ thuật phòng vệ cụ thể mà đứa trẻ mắc chứng loạn (nhiễu) tâm theo đuổi. 

679. Good continuation: (sự) Tiếp tục tốt đẹp

Một trong bốn luật nhóm gốc của TLH Gestalt, phát biểu năm 1923 bởi nhà TLH Đức Max Wertheimer (1880-1943) để giải thích sự tổ chức các bộ phận thành những toàn thể bởi hệ thị giác. Theo luật này, những yếu tố chuyển động cùng chiều có xu hướng nhóm lại về tri giác, từ đó biểu tượng X được tri giác như hợp bởi hai đường thẳng hơn là (chẳng hạn) hai dấu > và <, và biểu tượng Æđược tri giác như một vòng tròn có một đường thẳng xuyên qua. Một trường hợp đặc biệt của luật này đối với các yếu tố chuyển động theo thời gian được gọi là Số phận chung (Common fate). 

680. Good shape: Ưu dạng

Một nguyên lí về tri giác được nhận dạng vào năm 1923 bởi nhà TLH Đức Max Wertheimer, liên kết với TLH Gestalt. Cho rằng người ta có xu hướng tri giác các bóng dáng theo những hình thức đồng dạng và ổn định nhất có thể. Cũng gọi là Law of good shape; Principle of good shape.