611. First impression: Ấn tượng đầu tiên
Tri nhận đầu tiên về người khác, liên quan một cách điển hình đến sự đánh giá tích cực hay tiêu cực cũng như một cảm nhận về các đặc trưng thể chất hay tâm lí của người ấy. Những ấn tượng này dựa trên thông tin sớm nhất nhận được về người khác, thường thông qua sự gặp gỡ trực tiếp và có xu hướng dai dẳng, ngay cả khi đối diện với thông tin sau đó mà những người quan sát từ bên ngoài cho là không nhất quán với tri nhận ban đầu. Tức là có hiệu ứng ưu tiên trong sự hình thành ấn tượng. Một số phân tích về lí thuyết giải thích hiệu ứng này là do thông tin nhận được đầu tiên có sức nặng hơn trong tâm trí người tri nhận; những phân tích khác đề xuất rằng thông tin ban đầu định dạng ý nghĩa của thông tin sau đó.
612. First-rank synptoms: (các) Triệu chứng hàng đầu
Các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt được chia thành năm loại, bắt nguồn từ đề xuất cho việc chẩn đoán khu biệt. Bao gồm ảo giác, những thay đổi trong diễn trình suy tưởng, tri giác hoang tưởng, sự thụ động về thân thể (trải nghiệm việc các lực bên ngoài ảnh hưởng hay kiểm soát cơ thể mình), và những sự áp đặt khác. Gần 60% người bệnh được chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt trong Nghiên cứu thí điểm quốc tế về bệnh tâm thần phân liệt (International pilot study of schizophrenia) của WHO cho thấy những triệu chứng hàng đầu. Giờ đây ta biết rằng những triệu chứng này có thể cũng xảy ra trong những chứng loạn tâm khác, trong những rối loạn về tâm trạng, và những chứng loạn thần. [được mô tả đầu tiên bởi nhà tâm thần học Đức Kurt Schneider (1887-1967)].
613. Flight into reality: (sự) Trốn chạy khỏi thực tại
Một phản ứng phòng vệ bao hàm việc rút lui vào tình trạng không hoạt động, tách biệt, hay phóng tưởng, như một sự phòng vệ vô thức chống lại các tình huống gây lo âu. Có thể biểu hiện thành một số hành vi phòng vệ, như hợp lý hoá, mơ ngày, hay lạm dụng chất gây nghiện. Có thể bao gồm sự rút vào hành vi mang tính tâm bệnh như cách tránh né các vấn đề có thực hay tưởng tượng. Cũng gọi là Retreat from reality.
614. Flight into fantasy: (sự) Trốn chạy vào phóng tưởng
Một phản ứng phòng vệ trong đó cá nhân có những suy nghĩ và bức xúc khó chịu rút vào phóng tưởng (như thông qua các giấc mơ ngày) như cách tránh làm hại chính mình hay người khác vì hành động bởi bức xúc. Theo cách này họ có thể duy trì sự kiểm soát các bức xúc của mình.
615. Flight into illness: (sự) Trốn chạy vào tình trạng đau ốm
Một toan tính thoát ra khỏi những tình cảm hay xung đột không thể chấp nhận bằng cách phát triển các triệu chứng bệnh thần kinh, tâm bệnh hay thân-tâm bệnh. Thuật ngữ này bắt nguồn từ phân tâm học: Sigmund Freud (1856-1939) nói đến tình trạng “trôn chạy vào tâm bệnh” (flight into psychosis) vào năm 1894, rồi tình trạng “trốn chạy vào tình trạng bệnh thần kinh” (flight into neurotic illness) vào năm 1908, và cuối cùng, “trốn chạy vào tình trạng đau ốm” (flight into illness) vào năm 1909.
616. Flight into reality: (sự) Trốn chạy vào thực tại
Một phản ứng phòng vệ trong đó một cá nhân trở nên quá vướng víu vào hoạt động và làm việc như biện pháp vô thức để tránh né những tình huống đe doạ hay những suy tưởng hay cảm thức đau đớn.
617. Flooding: (sự) Tràn ngập
Một kỹ thuật hành vi liệu pháp (behaviour therapy) dùng để chữa trị rối loạn căng thẳng hậu sang chấn, chứng ám sợ, và những rối loạn lo âu khác, bằng cách cho người bệnh đối mặt cao độ với tình huống gây lo âu cho đến khi sự lo âu giảm bớt.
618. Foot-in-the-door technique: Kỹ thuật thò-một-chân-vào-cửa
Một kỹ thuật khơi gợi sự chiều ý bằng cách thoạt tiên đưa ra một yêu cầu nhỏ trong yêu cầu lớn mà mình mong muốn, để người được yêu cầu dễ chấp nhận. Kỹ thuật được giới thiệu và đặt tên vào năm 1966 bởi các nhà TLH Mỹ Jonathan L. Freedman (1937-) và Scott Cameron Fraser (1943-), các ông tường thuật một thí nghiệm thực địa: đến thăm nhà các bà chủ nhà, một số bà được hỏi có bằng lòng cho dán một phù hiệu rất nhỏ trên cửa kính nhà hay xe hơi kêu gọi giữ gìn vẻ đẹp của California, một số khác được đề nghị ký tên vào một kiến nghị về vấn đề như thế; 2 tuần sau, một người khác, được cho là từ một tổ chức khác, đến hỏi những bà chủ nhà ấy xem họ có bằng lòng cho chôn một tấm biển Lái xe cẩn trọngtrong vườn nhà hay không. Trong nhóm đối chứng đã không được đưa ra đề nghị nhỏ lúc đầu, chỉ có 17% bằng lòng, trong khi 55% trong số có sự “thò-một-chân-vào-cửa” bằng lòng.
619. Forced compliance: (sự) Chiều ý ép uổng.
Nhân nhượng áp lực xã hội để đưa ra một phát biểu hay hành xử theo cách xung đột với thái độ của bản thân. Theo thuyết bất hoà nhận thức (cognitive dissonance), hành vi như trên có xu hướng giảm bớt sự bất hoà giữa hai nhận thứcThái độ của tôi là X và Thái độ của tôi là chống X. Nhận thức thứ hai được cắm chốt trong ứng xử và không dễ thay đổi một khi phát biểu đã được nói lên hay hành động đã thực hiện, nhưng nhận thức đầu tiên có thể và thường thay đổi. Thuyết bất hoà nhận thức tiên đoán và đã được nghiên cứu xác nhận, rằng sự thay đổi thái độ có xu hướng nhiều nhất khi việc biện minh cho hành vi phản thái độ là nhỏ nhất – chẳng hạn khi người ta được lợi ít ỏi về mặt tài chính cho việc đó.
620. Foreclosure: (sự) Chặn trước
Trong phân tâm học, là cơ chế phòng vệ được nhận dạng đầu tiên năm 1956 bởi nhà phân tâm học Pháp Jacques Lacan, liên quan đến việc trục xuất một cái biểu thị căn bản, như thể dương vật là cái biểu thị căn bản của phức cảm bị thiến (castration complex), khỏi vũ trụ của một người. Nó có thể là cơ chế phòng vệ chuyên biệt của tâm bệnh và khác với sự dồn nén trong chừng mực cái biểu thị bị chặn trước không tích nhập vào vô thức của người ấy và không tái xuất từ bên trong như một triệu chứng bệnh thần kinh mà có thể trở lại dưới hình thức một ảo giác tâm bệnh. Ý tưởng này có thể là từ một bài viết năm 1894 của Sigmund Freud (1956-1939) trong sách “Các bệnh tâm-thần kinh về phòng vệ”: “Tuy nhiên, có một loại phòng vệ mạnh mẽ và thành công hơn. Ở đây, cái tôi bác bỏ cái ý nghĩ không thích đáng cùng với hiệu ứng của nó và hành xử như thể ý nghĩ ấy chưa hề xảy ra với cái tôi”.