591. Feeling theory of three-dimensions: Thuyết cảm nhận ba chiều

Thuyết cho rằng cảm nhận có thể khác nhau theo ba chiều: sướng khoái-khó chịu (phẩm tính khoái lạc), kích thích-bình lặng và hứng khởi-thư giãn. Các cảm nhận cơ sở kết hợp thành phức cảm. Thuyết này được sử dụng để định nghĩa những cảm xúc khác nhau như được đặc trưng bởi những kết hợp khác nhau và những sự kế tiếp nhau của các cảm nhận và bởi dòng thay đổi chuyên biệt của các cảm nhận đi theo từng chiều trong ba chiều. Cũng gọi là tridimensional theory of feeling; Wundt’s tridimentional theory of emotion [do Wilheim Wundt giới thiệu].

592. Feeling type: Kiểu cảm thức

Trong TLH Phân tích (Analytic Psychology) của Carl Jung, là một kiểu chức năng có đặc trưng là sự áp đảo của cảm nhận hay tình cảm. Các kiểu cảm nhận lượng giá những trải nghiệm của bản thân và thế giới bằng khía cạnh những cái đó làm cho mình cảm nhận như thế nào. Kiểu cảm thức là một trong hai kiểu lý tính của Jung, kiểu kia là kiểu tư duy.

593. Feminity complex: Phức cảm nữ tính

Trong thuyết phân tâm học, là sự ganh tỵ của nam giới đối với các quyền lực sinh sản của nữ giới, bắt nguồn từ sự ganh tỵ của đứa bé trai đối với cơ thể của người mẹ. Một số nhà phân tâm học coi phức cảm nữ tính như đối vị nam giới của phức cảm bị thiến (castration complex) và sự ganh tỵ về dương vật (penis envy) ở nữ giới. [lần đầu được sử dụng năm 1930 bởi nhà phân tâm học Đức Felix Boehm (1881-1958).

594. Feminity phase: Kỳ nữ tính

Trong thuyết Quan hệ với đối tượng (Object Relations) của Melanie Klein, là một thời kỳ trong những kỳ ban đầu của phức cảm Oedipus, trong đó cả các bé trai và bé gái đều được cho là có thái độ nữ tính đối với người cha và ham muốn có con với ông ấy. Klein coi đó như sự quay về người cha với tư cách một đối tượng ham muốn và quay đi khỏi người mẹ với tư cách đối tượng đầu tiên của đứa trẻ.       

595. Fetishistic disorder: Rối loạn vật gợi tình 

Một rối loạn tà dâm, đặc trưng là hứng tình mãnh liệt, trở đi trở lại, từ những đồ vật hay bộ phận cơ thể không phải cơ quan sinh dục, hay là liên kết với những sự phóng tưởng hay thôi thúc trong một thời kỳ ít nhất 6 tháng. Tiêu chí của rối loạn này là các phóng tưởng, thôi thúc hay hành vi phải tạo nên sự trầm cảm lâm sàng đáng kể hay khiếm khuyết trong các địa hạt xã hội, công việc v.v… trong cuộc sống, và các vật gợi tình phải không chỉ hạn chế ở quần áo của giới tính đối lập hay đồ chơi hay dụng cụ tính dục. 

596. Fetishistic transvestism: (chứng tật) Giả trang chuyển giới

Một chứng tà dâm, đặc trưng là sự trở đi trở lại những phóng tưởng hứng tình, những thôi thúc tính dục, hay hành vi liên quan đến việc mặc đồ của giới tính đối lập và ra vẻ như thành viên của giới ấy. Cũng gọi là transvestic fetishism.

597. Field dependence-independence: (sự) Phụ thuộc-độc lập với trường

Một phong cách nhận thức, đặc trưng là thiên hướng khu biệt các trải nghiệm tri giác và những trải nghiệm khác với bối cảnh hay văn cảnh của chúng. Người có thiên hướng yếu về chuyện này thì phụ thuộc vào trường, người có thiên hướng mạnh thì độc lập với trường. Nam giới nhìn chung có xu hướng độc lập hơn nữ giới, người lớn hơn trẻ em, và người có điểm cao trong các đo nghiệm I.Q. về suy luận trừu tượng (đối lập với các đo nghiệm về từ vựng, thông tin và đọc hiểu) hơn người có điểm thấp. Được khám phá vào năm 1950 bởi nhà TLH Mỹ Herman A. Witkin (1916-79). Cũng gọi là psychological differentiation. Viết tắt: FD-I

598. Field theory: Thuyết về trường

Bất kỳ thuyết nào trong đó các hiện tượng được diễn giải như kết quả của các tác động lẫn nhau giữa những yếu tố bên trong một trường, đặc biệt (trong TLH) là thuyết được giới thiệu năm 1935 bởi nhà TLH Mỹ gốc Đức Kurt Lewin (1890-1947). Theo thuyết về trường của Lewin, các sự kiện TLH xảy ra bên trong một kiểu trường gọi là không gian sống, trong đó những quan hệ quan trọng là những khía cạnh định tính về kết nối và vị trí, như thể đồ đạc sở hữu, tư cách thành viên, và những quan hệ bộ phận-toàn thể. Hành vi được diễn giải là một hàm của cá nhân và không gian sống, mối quan hệ này được biểu diễn bằng phương trình B = f (LS) [behavoiur = f (life space) ] ;không gian sống được diễn giải là cá nhân và môi trường, cho nên B = f (P, E)  [behaviour = f (person, environment) ], có nghĩa là hành vi là một hàm giao tiếp giữa cá nhân và môi trường, hành vi được biểu trưng như một sự vận động (locomotion)từ vùng này đến vùng kia của không gian sống, các vùng hút hay đẩy thì có độ hút đẩy (valence)

599. Fight-or-flight response: Đáp ứng chiến-hay-chạy

Một thuật ngữ được giới thiệu bởi nhà sinh lý học Mỹ  Walter Bradford Cannon (1871-1945), và được phổ biến rộng rãi trong sách Những thay đổi của cơ thể trong đau đớn, đói khát, sợ hãi và giận dữ (Bodily Changes in Pain, Hunger, Fear and Rage – 1929), để chỉ hội chứng đáp ứng sinh lý của một động vật với một tình huống gợi lên sự sợ hãi, đau đớn, giận dữ; những đáp ứng này được phát động bởi sự tiết adrenalin (epinephrenine) từ tuyến thượng thận, chuẩn bị cho động vật chiến đấu hay bỏ chạy. Việc này bao gồm tăng huyết áp, tăng nhịp tim, thở sâu, toát mồ hôi, giãn đồng tử, máu chạy từ vùng tiêu hoá sang các cơ xương (skeletal muscles) và ngưng diễn trình tiêu hoá, thải đường dự trữ vào gan, và khép cơ vòng của bọng đái, dẫn đến việc kìm tiểu tiện. 

600. Filial regression: (sự) Thoái bộ về di truyền

Khuynh hướng của một đứa con, mà cha mẹ có thành tích rất cao hoặc rất thấp về một số đặc trưng di truyền, như là IQ hay thể chất, nhưng đứa con lại có thành tích gần với mức trung bình hơn. Hiện tượng này được giải thích bằng sự thoái bộ hướng về cái trung bình.