2000 THUẬT NGỮ TLH (31)

311. Conversion: (sự) Chuyển hoá

– Một sự thay đổi về chất, về hình thức, tính chất hay chức năng. 

– [trong Phân tâm học] Một cơ chế phản vệ trong đó một xung đột vô thức làm dấy lên sự lo âu được biểu hiện một cách tượng trưng, mong muốn hay ý tưởng bị đè nén được biến hoá thành một triệu chứng thể chất như đau đớn, tê liệt, hay mất chức năng cảm giác. Sigmund Freud (1856-1939) đưa khái niệm này vào năm 1894 trong 1 bài viết trên tờ “The The Neuro-Psychoses of Defense” (Các bệnh Tâm-thần kinh về Phòng vệ) và phát triển nó vào năm 1908/09 trong bài “Some General Remarks on Hysterical Attacks” (Vài lưu ý tổng quát về các cơn hysteria).

312. Coolidge effect: Hiệu ứng Coolidge

Một sự gia tăng đáp ứng và giảm bớt về tính dục trong thời kỳ trơ ì (refractory period) về tính dục sinh ra khi có bạn tình mới [đặt theo tên của tổng thống Mỹ Calvin Coolidge (1872-1933) và câu chuyện “nguỵ sử” sau: Trong một lần đi thăm trại gà lấy trứng với chồng vào những năm 1920, Đệ nhất Phu nhân Coolidge rất ấn tượng với tần suất nhảy mái của các con gà trống và bà bảo một người tuỳ tùng lưu ý chuyện đó với chồng mình. Tổng thống Coolidge hỏi liệu mỗi chú gà có luôn luôn nhảy cùng một con mái hay không, và được trả lời rằng, dể duy trì tần suất nhảy mái cao, mỗi chú gà phải được ghép với một con mái mới sau vài ngày. Tổng thống bảo người tuỳ tùng lưu ý phu nhân về chuyện ấy].

313. Cooperative principle: Nguyên lí hợp tác

Một qui tắc rút từ các văn bản của nhà TLH người Anh Herbert Paul Grice (1913-88), theo đó các người nói thường tìm cách hợp tác khi truyền thông, và đặc biệt thường toan tính để mình [được thấy là] nói sự thật, có thông tin, thích đáng và minh bạch – theo các phương châm của Grice về chất, lượng, sự thích đáng, cách thức của hội thoại. Người nói có thể coi thường một trong những phương châm này, chẳng hạn nói dối, mỉa mai, nhưng sự hội thoại thông thường được tiến hành theo giả định là những phương châm này được tuân theo. Một số nhà ngữ học tin rằng sự thích đáng là nguyên lí nền tảng của giao tiếp giữa người với người.

314. Coping-skills training: (sự) Huấn luyện kĩ năng đối phó

Liệu pháp hoặc những can thiệp về giáo dục để gia tăng năng lực quản trị những tình huống khó chịu hay gây lo âu, đi từ những vấn đề tương đối thông thường (thi cử, li hôn) đến các rối loạn tâm trí (như ám sợ). Các kiểu kĩ năng được đưa vào một cách thích hợp với tình huống và có thể bao gồm các năng lực nhận thức, hành xử và cảm xúc.

315. Copulatory behavior: Hành vi giao phối

Các mẫu hành vi khi giao phối. Khác với ANIMAL COURTSHIP (sự ve vãn ở động vật – nói về hành vi chuẩn bị giao phối). Hành vi giao phối thường bao gồm mounting (leo lên, phủ), intromission (thâm nhập – đút dương vật vào âm hộ) và ejaculation (phóng tinh). Ở một số loài (như chuột cống), cần nhiều lần thâm nhập trước khi phóng tinh, và con cái phải nhận nhiều lần thâm nhập để cho trứng được cấy vào tử cung. Ở những loài khác, hành vi giao phối là cần thiết để đưa tới việc rụng trứng. Ở nhiều loài đơn phối ngẫu mang tính xã hội (social monogamous), như loài người, hành vi giao phối có thể xảy ra không phụ thuộc vào chu trình rụng trứng của con cái. 

316. Copying mania: Chứng cuồng sao chép 

Một bận tâm thái quá bắt chước lời nói hay hành động của người khác, đôi khi quan sát thấy ở chứng tâm thần phân liệt catatona (hay còn gọi là hội chứng căng trương lực, là một rối loạn tâm thần và ảnh hưởng đến khả năng di chuyển bình thường của một người. Những người bị ảnh hưởng có thể gặp nhiều triệu chứng, phổ biến nhất là sững sờ) hay một số hội chứng do đặc thù văn hoá như amurakh và myriachit (của vùng Siberia).

317. Core relational themes: (các) Đề tài có quan hệ cốt lõi

– [thuyết định giá nhận thức về cảm xúc – COGNITIVE APPRAISAL THEORY of emotions]: Những phán đoán của cá nhân về ý nghĩa chuyên biệt của những sự kiện cụ thể đối với bản thân, kết quả là sinh ra các trạng thái cảm xúc chuyên biệt (giận dữ, vui vẻ, ganh tị, xấu hổ…). Đề tài có quan hệ cốt lõi có 3 thành tố: thích đáng với mục đích, dính líu đến cái tôi, và tiềm năng đối phó.

– Các mẫu lặp lại về quan hệ với người khác được coi là được xác định bởi quan hệ với cha mẹ và những cá nhân có ảnh hưởng khác trong thời ấu thơ. Những đề tài này có thể bao gồm các mẫu phụ thuộc và các mẫu không tin cậy, v.v…   

318. Core self-evaluation: (sự) Tự đánh giá cốt lõi

Một nét nhân cách nền tảng, phản ánh sự tự đánh giá cao, tự tin cao về năng lực kiểm soát tình huống (locus of control) và ít khả năng bị tác động thần kinh. Khái niệm được đưa vào bởi nhà nghiên cứu quản trị người Mĩ Timothy Alan Judge (1962-) và 2 đồng nghiệp trong Journal of Applied Psychology (Tập san TLH ứng dụng) (1998).

319. Countercathexis: (sự) Phản dẫn cảm

[Phân tâm học]: Diễn trình phòng tránh các ý nghĩ bị đè nén đang cố hết sức phá ra để lên tầng ý thức, bằng một lực tương đương vận hành theo hướng đối lập. Lần đầu tiên được phát biểu vào năm 1900 bởi Sigmund Freud (1856-1939) trong sách Diễn giải các giấc mơ, và sau đó được dùng để giải thích sự vận hành của cơ chế phòng vệ. Cũng gọi là anticathexis [Cathexis: sự đưa các ý nghĩa xúc cảm vào một hoạt động, đối tượng hay ý tưởng – ND]

320. Covariation principle: Nguyên lý đồng biến

[Trong thuyết qui kết – Attribution theory]: Xu hướng qui kết hành vi cho một nguyên nhân chỉ có mặt khi hành vi diễn ra, hay một nguyên nhân được quan sát thấy biến đổi cùng với hành vi. Một ví dụ điển hình là xu hướng qui kết hành vi cạnh tranh cho những nguyên nhân bên ngoài ở những người được thấy là hành xử cạnh tranh khi tương tác với các đối tác cạnh tranh, nhưng lại qui kết tính cạnh tranh cho những nguyên nhân về tâm tính bên trong ở những người có vẻ hành xử cạnh tranh một cách độc lập với các hành động của đối tác.