571. False self: Nguỵ bản ngã

Trong Lý thuyết về các quan hệ với đối tượng (Object Relations Theory) của nhà phân tâm học Anh Donald Winnicot (1896-1971): cái bản ngã phát triển một sự phòng vệ chống lại các va chạm, ảnh hưởng và để thích nghi với môi trường. Tương phản với “chân bản ngã” (true self) là cái phát triển trong một môi trường thích nghi với đứa trẻ và cho phép nó khám phá ra và thể hiện những xung động chân thực của mình. 

572. Fantaisy: (sự) Phóng tưởng

– một trong những trải nghiệm và diễn trình tâm trí được đánh dấu bởi sự hình dung sống động, cảm xúc mạnh mẽ, và sự giãn ra hoặc vắng mặt của logic. Các trải nghiệm này có thể là ý thức (do đó nằm dưới sự kiểm soát của cá nhân) hay vô thức ở các mực độ khác nhau. Phóng tưởng là thông thường và phổ biến và thường phục vụ một mục đích lành mạnh (giảm căng thẳng, vui thú và giải trí, kích thích sự sáng tạo). Nó cũng có thể là chỉ dấu của bệnh tật, như trong suy tưởng lừa dối hay thoát ly thực tại.

– trong lý thuyết phân tâm học, là điều do óc tưởng tượng nguỵ tạo: hình ảnh trong tâm trí, giấc mơ đêm hay mơ ngày trong đó những mong muốn và xung động có ý thức hay vô thức được thực hiện.

573. Far sense: Viễn giác

Một trong các giác quan như thị giác hay thính giác được trung gian bởi những cơ quan tiếp nhận từ xa (telereceptor) cho phép động vật hay người tri giác các vật hay sự kiện từ xa.  

574. Fate control: (sự) Kiểm soát số phận

Trong lý thuyết liên lập (Interdependence Theory) của các nhà TLH Mỹ Harold Harding Kelley (1921-2003) và John Walter Thibaut (1917-86) trong những sách Tâm lí xã hội các Nhóm (The Social Psychology of Groups, 1959) và Các quan hệ liên cá nhân: một lý thuyết về liên lập (Interpersonal Relations: a Theory of Interdependence, 1978), một tình huống liên cá nhân liên quan đến 2 người, A và B, trong đó “bằng cách biến hoá điều mình làm, B có thể làm biến hoá thành quả của A. Chúng tôi mô tả điều này là fate control (FC) vì A đã có sự kiểm soát tuyệt đối số phận của B”. Viết tắt: FC.

575. Fate neurosis: Chứng loạn thần nghiệp chướng

Trong phân tâm học, là hội chứng lặp lại những sự cố không vui trong cuộc đời, những xui xẻo kỳ lạ tương tự nhau. Được thảo luận bởi Sigmund Freud (1856-1939) vào năm 1920 trong sách Bên kia nguyên lý khoái lạc(Beyond the Pleasure Principle),trong đó ông đưa ra những ví dụ về những người làm nhiều việc tốt nhưng luôn luôn bị đáp bằng sự vô ơn hay xui xẻo, những người luôn bị bạn bè phản thùng, và những trường hợp tương tự, và ông giải thích đó là biểu hiện của chứng loạn thần bức bách lặp lại (repitition compulsion). Thuật ngữ do Freud đặt là Schicksalzwang (fate compulsion – bức bách nghiệp chướng) hơn là Schicksalneurose (fate neurosis – loạn thần nghiệp chướng), nhưng thuật ngữ sau trở nên qui ước trong cả tiếng Đức và tiếng Anh.

576. Father complex: Phức cảm về người cha

Trong phân tâm học, tính nước đôi trong tình cảm của đứa con trai với người cha, một trong các yếu tố của phức cảm Oedipus.

577. Father-ideal: Người cha lý tưởng 

Trong thuyết phân tâm: thành tố người cha trong cái tôi lý tưởng (ego-ideal) được hình thành thông qua sự đồng nhất với cha mẹ.

578. Father surrogate: Thế phụ

Người thay thế người cha, thực hiện những chức năng điển hình của người cha, đối tượng của sự đồng nhất và gắn bó. Cũng gọi là father figure; surrogate father

579. Fattism: Thái độ bài phì

Sự kỳ thị đối với người béo, hay khuynh hướng châm chọc họ. Thuật ngữ được đặt bởi nhà TLH Mỹ Rita Jackaway Freedman (1940-) trong sách Tình yêu thân thể (Bodylove, 1988). Cũng gọi là fatism.

580. Fatuos love: Tình cuồng

Một kiểu tình yêu có đặc trưng là đam mê và tận tuỵ về dâm dục nhưng thiếu sự thân mật trong tình cảm.