251. Coming out: Bộc lộ giới tính 

Bộc lộ mình là đồng tính ái nam, đồng tính ái nữ, song tính ái hay chuyển giới. Một tuyên bố như thế đôi khi có thể đưa tới những vấn đề với gia đình, người chủ thuê làm, hay bạn bè, và do đó có thể là một bước đi khó khăn, ngay cả đối với những người chấp nhận và thoải mái với định hướng giới tính của mình. Cũng gọi là coming out of the closet (ra khỏi phòng kín). 

252. Community psychology: TLH cộng đồng

Ngành TLH quan tâm đến những tương tác cá nhân-môi trường và cách xã hội tác động đến sự vận hành của cá nhân và cộng đồng. TLH cộng đồng tập chú vào các vấn đề xã hội, các thiết chế xã hội, và những cơ cấu khác ảnh hưởng đến các cá nhân, nhóm và tổ chức. Các nhà nghiên cứu cộng đồng xem xét những cách mà cá nhân tương tác với nhau, với các nhóm xã hội (như các câu lạc bộ, nhà thờ, nhà trường, gia đình), và với văn hoá và môi trường rộng hơn. Các kết quả và phương pháp nghiên cứu được áp dụng vào tình trạng nghèo đói, lạm dụng chất gây nghiện, bạo lực, thất học và nhiều vấn đề xã hội khác.

253. Comparison level (CL): Trình độ so sánh

[trong Social Exchange Theory – Thuyết trao đổi xã hội]: Tiêu chuẩn để một cá nhân đánh giá phẩm chất của bất kỳ mối quan hệ xã hội nào trong đó mình đang tham gia. CL rút ra từ kết quả trung bình của mọi thành quả mà cá nhân kinh qua trong những mối quan hệ tương tự trước đó hay cá nhân quan sát trong những mối quan hệ với người khác. Trong phần lớn trường hợp, những cá nhân mà những mối quan hệ trước đó cho thành quả tích cực với phí tổn thấp sẽ có CL cao hơn là những cá nhân trải nghiệm thành quả thấp với chi phí cao. Nếu tỷ suất thành quả-phí tổn của mối quan hệ hiện hành ở dưới mức CL, thì cá nhân sẽ không thoả mãn. CL được đề xướng bởi các nhà TLH Mỹ Harold H. Kelley (1921-) và John W. Thibault (1917-1986).  

254. Comparative psychology: TLH so sánh

Nghiên cứu hành vi trong những giống loài khác nhau, tìm cách soi sáng những cơ chế nằm bên dưới và sự tiến hoá của hành vi. Thuật ngữ thường được áp dụng một cách lỏng lẻo vào bất kỳ hình thức nào của TLH động vật.

255. Compensation: (sự) Bù trừ

– [trong phân tâm học]: Một cơ chế phòng vệ (theo Sigmund Freud) trong đó người ta toan tính bù đắp một sự thiếu khuyết cảm nhận được mà không thể thay đổi, chẳng hạn một thiếu khuyết về cơ thể, bằng cách vượt trội lên về một mặt khác (thay thế hay phát triển một sức mạnh hay năng lực ở một lĩnh vực khác). Khi hành vi thay thế này vượt quá mức được coi là cần thiết xét về trình độ bù trừ hay tình trạng thiếu khuyết thì có thể gọi là overcompensation (bù trừ quá đáng). Bù trừ có thể mang tính hữu thức hoặc vô thức. Nhà tâm thần học người Áo Alfred Adler (1870-1937) nhấn mạnh tầm quan trọng của điều này trong bộ môn TLH cá nhân của mình, đặc biệt là khái niệm “phức cảm tự ty” của ông. Tuy nhiên nhiều nhà TLH nhấn mạnh những khía cạnh tích cực của sự bù trừ trong việc giảm nhẹ những tác động của sự yếu kém hay thiếu khuyết.

– [trong thuyết phát triển nhận thức của jean Piaget]: Một tiến trình tâm trí trong đó người ta nhận biết rằng bất cứ một thao tác nào cũng có một thao tác khác bù trừ cho các tác động của thao tác ấy. 

256. Complete/ completion test: Đo nghiệm hoàn tất

Một kiểu đo nghiệm trí khôn trong đó có một loạt khoản mục không hoàn tất và người trả lời cố gắng chọn ra từ gợi ý cho sẵn hay tự nghĩ ra để điền vào khoản mục (một câu, một từ, hay một chữ trong văn bản) bị thiếu. Hình thức phổ biến nhất là đo nghiệm hoàn tất con số. Cũng gọi là continuation problem (bài toán tiếp tục).

257. Complex: Phức cảm

– [trong phân tâm học]: Một tập hợp những ý nghĩ, xúc cảm, thôi thúc và ký ức có chung một giọng điệu cảm xúc và đã bị loại bỏ một phần hay toàn bộ khỏi vô thức nhưng tiếp tục ảnh hưởng đến suy nghĩ, xúc cảm, và hành vi của một người. Khái niệm được đưa vào năm 1895 bởi thầy thuốc người Áo Joseph Bruer (1842-1925) trong sách Những nghiên cứu về chứng hysteria và sau đó được Sigmund Freud (1856-1939) và Carl Gustav Young (1875-1961) phỏng dụng. Từ complex phái sinh từ complexion theo nghĩa chuyển tiếp đã được thiết định vào thời vở kịch Hamlet của Shakespeare. Những phức cảm đã biết như: phức cảm bị hoạn, phức cảm Diana, phức cảm người cha, phức cảm tự ty, phức cảm người mẹ, phức cảm Oedipus…

– [dùng không chính thức]: Một ám ảnh hay ám sợ.

258. Complex indicator: Chỉ thị phức cảm

[trong TLH phân tích]: Một khía cạnh của câu trả lời hay đáp ứng trong đo nghiệm word-association (liên tưởng từ) bộc lộ tình trạng phức cảm. Carl Gustav Young đã phổ biến đo nghiệm này, lập danh sách những chỉ thị phức cảm chính trong bài viết “The Association Method” (Phương pháp liên tưởng) trong American Journal of Psychology (Tập san TLH Mỹ) năm 1910: một phản ứng bất thường đối với một từ, như cười phá lên hay đỏ mặt, hay thời gian phản ứng chậm trễ bất thường, lặp lại một từ kích thích, một liên tưởng phi lý hay quá xa, và không đáp lại được một từ kích thích.

259. Complex motives: Các động cơ phức hợp

Nhiều ham muốn đồng thời trong việc đạt được một mục tiêu. Chẳng hạn, các ham muốn có thể thích ứng và hướng về cùng mục tiêu (như làm việc nỗ lực vì ham muốn thành công, cũng như ham muốn tiền bạc) hay không thích ứng và hướng về những mục tiêu đối lập (như đạt được thành công thông qua làm việc đồng thời ham muốn nghỉ ngơi thư giãn).

250.Component instinct: Bản năng thành phần

[phân tâm học]: Bất kỳ yếu tố cơ bản nào của bản năng tính dục như được xác định bởi nguồn bản năng của nó (miệng, hậu môn, v.v.) và có chừng mực thấp hơn về mục đích và đối tượng tính dục. Sigmund Freud đưa khái niệm vào năm 1905 trong sách Ba tiểu luận về lý thuyết tính dục. Trong một bài viết cho từ điển bách khoa năm 1923, ông giải thích: “bản năng tính dục, biểu thị năng động của nó trong đời sống tâm trí gọi là “libido” (dục năng), được cấu tạo bằng những bản năng thành phần; libido có thể một lần nữa phân ra thành những thành phần ấy, và những thành phần ấy chỉ hợp nhất dần từng bước thành các tổ chức xác định rõ ràng…Giai đoạn tổ chức thứ nhất (pregenital – tiền sinh thực khí) là giai đoạn oral (miệng). Cũng gọi làinstintual component (thành phần bản năng), partial instint hay part instint (bản năng bộ phận)