931. Lesbian feminism: Tư tưởng nữ quyền đồng tính

Một kiểu tư tưởng nữ quyền nhấn mạnh ý nghĩa xã hội chính trị của trào lưu đồng tính ái nữ (lesbianism). Vượt quá hàm ý là trào lưu đồng tính ái nữ có thể cho phụ nữ quyền kiểm soát đời sống tính dục của chính mình, nó gợi ý rằng trào lưu đồng tính ái nữ là sự bác bỏ tối hậu đối với chế độ phụ quyền (patriarchy).(Thuật ngữ Lesbianismxuất phát từ tên đảo Lesbos ở biến Aegea nơi nữ thi sĩ Sappho (khoảng năm 600 TCN) viết những bài thơ về dâm tình giữa các phụ nữ với nhau. Cũng gọi là Sapphism).

932. Less-is-more hypothesis: Giả thuyết ít là nhiều

Đề xuất rằng các hạn chế về nhận thức của ấu nhi và thiếu nhi có thể có tác dụng đơn giản hoá kho ngôn ngữ mà các em xử lí, khiến cho dễ dàng học hệ thống cú pháp phức tạp của bất kỳ ngôn ngữ nào. Thuật ngữ xuất phát từ phương châm thiết kế lừng danh của kiến trúc sư Mĩ gốc Đức Ludwig Mies van der Rohe (1886-1969), do nhà TLH Mĩ TK 21 Eliss L. Newport đề xuất. 

933. Level I and Level II tests: (các) Đo nghiệm trình độ I và II

Các đo nghiệm về trí khôn dựa trên những năng lực có thể được coi như sắp xếp theo thứ bậc ở hai trình độ khác nhau. Trình độ thứ nhất là xử lí liên kết, trình độ thứ hai là xử lí khái niệm. Theo thuyết này, các nhóm màu da và dân tộc có xu hướng thể hiện rất ít khác biệt trong các đo nghiệm Trình độ I nhưng có những khác biệt về chất trong các đo nghiệm Trình độ II. Được phát triển bởi nhà TLH Mĩ Arthur Jensen (1923-)

934. Level-of-aspiration theory: Thuyết về trình độ khát vọng

Trong TLH xã hội, là một cách tiếp cận mang tính khái niệm đối với hiệu năng thực hiện của nhóm và cá nhân, cho rằng các hậu quả về tình cảm, động lực và ứng xử của bất kì sự thực hiện cụ thể nào sẽ được xác định không chỉ bởi mức độ tuyệt đối của thành công đạt được mà còn bởi thành quả hay mục tiêu lí tưởng được hình dung trước khi làm nhiệm vụ. 

935. Levels-of-processing model of memory: Hình mẫu ghi nhớ theo các trình độ xử lí

Thuyết cho rằng việc mã hoá đưa vào trí nhớ và do đó việc ghi nhớ tiếp sau đó, phụ thuộc vào độ sâu của kiến tạo nhận thức (cognitive elaboration) mà thông tin nhận được và rằng sự mã hoá sâu sẽ cải thiện trí nhớ. Trong những thí nghiệm quyết định thời kì đầu, độ sâu đạt được là nhờ việc xử lí những từ cần nhớ hơn là do tập trung chú ý vào những chiều kích ngoại vi. Phát biểu vào năm 1972 bởi các nhà TLH Canada Fergus I.M. Craik (1935-) và Robert S. Lockhart.

936. Libidinal types: (các) Kiểu tính dục 

Trong thuyết phân tâm, là một sự phân loại nhân cách dựa trên sự phân phối tính dục năng (libido)hay năng lượng tính dục (sexual energy) trong đời sống tâm trí (psyche).Trong kiểu dâm tình (erotic type), libido vẫn nằm nhiều ở ID (cái Ấy, cái Nó) và hứng thú chính là ở việc yêu và được yêu. Trong kiểu ám ảnh (obsessional type),libido được đầu tư nhiều vào Superego (cái Siêu ngã) và cá nhân được thống trị bởi lương tâm. Trong kiểu tự si mê (Narcissistic type), libido được đầu tư nhiều nhất vào Ego (cái Ngã) và hứng thú chính là việc tự bảo toàn, ít quan tâm tới người khác hay mệnh lệnh của cái siêu ngã. Chế tác của Sigmund Freud. 

937. Libido: Tính dục năng/ Sinh lực

– Trong thuyết phân tâm, là Psychic Energy (Năng lượng tâm trí)của bản năng sống nói chung, hay năng lượng của bản năng tính dục nói riêng. Trong phát biểu đầu tiên, Sigmund Freud quan niệm năng lượng này là mang tính tính dục một cách hẹp hòi, nhưng sau đó ông mở rộng khái niệm để bao gồm mọi biểu hiện của tình yêu, khoái lạc và tự bảo toàn. 

– Trong TLH Phân tích của Carl Jung, là sinh lực tổng quát cung cấp năng lượng cho mọi kiểu hoạt động: sinh học, tính dục, xã hội, văn hoá và sáng tạo.

– Tổng quát hơn, là năng lượng hay ham muốn tính dục. 

938. Life-change unit (LCU): Đơn vị thay đổi trong đời

Một đơn vị đo lường trên bảng xếp hạng các sự kiện trong cuộc đời, trên đó những trải nghiệm sống khác nhau được cho các giá trị bằng số theo tiềm năng sinh ra stress của chúng. Chẳng hạn, li hôn và cái chết của người phối ngẫu hay của người có ý nghĩa khác được xếp ở hạng cao, về hưu ở hạng vừa, chuyển nhà và thay đổi thói quen ngủ ở hạng thấp. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng các cá nhân có điểm tích luỹ LCU cao (tức điểm tiềm năng stress – high potential-stress score) cho thấy những thay đổi nhiều hơn về sức khoẻ. 

939. Life lie: (sự) Dối trá về cuộc sống

– Niềm tin sai lầm của một số cá nhân, rằng kế hoạch sống của mình thất bại là do người khác hay do hoàn cảnh bên ngoài sự kiểm soát của mình. Được đưa ra như phương pháp tự giải thoát khỏi trách nhiệm cá nhân. Định nghĩa của Alfred Adler.

– Bất kì niềm tin sai lầm nào là cơ sở xây dựng cuộc sống của một cá nhân. 

940. Lifeline: Đường đời

Một kĩ thuật trị liệu sử dụng trong trị liệu nhóm hay cá nhân, trong đó mỗi cá nhân vạch những đường thể hiện cuộc đời mình, đánh dấu những sự kiện quá khứ và tương lai với các góc chỉ ra tiến trình vận hành bằng phẳng, đi lên, hay đi xuống, cũng như những ngày tháng cụ thể và tác động xung quanh những sự kiện ấy. Việc thảo luận đồ hình này với nhà chữa trị có thể làm tăng tiến sự nhận biết và hiểu về các mẫu đời sống của cá nhân.